Hôm nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, làm việc với Thành ủy TP.HCM

Hôm nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, làm việc với Thành ủy TP.HCM

(PLO)- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Thành ủy TP.HCM, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM; việc triển khai Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị...

Theo kế hoạch, trong hôm nay 17-8, đoàn công tác Trung ương Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng đoàn có nhiều hoạt động quan trọng tại TP.HCM.

Vào buổi sáng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Chương trình Kỷ niệm 55 năm Công an nhân dân thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024); trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân” cho Công an TP.HCM.

Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Thành ủy TP.HCM nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay; việc quán triệt và triển khai Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến dự lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở tại TP.HCM vào ngày 1-7-2024. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến dự lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở tại TP.HCM vào ngày 1-7-2024. Ảnh: TTXVN

Nhiều kết quả quan trọng từ kinh tế đến văn hóa, xã hội

Theo Thành ủy TPHCM, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động.

Trong nhiệm kỳ 2021 – 2025, tăng trưởng GRDP của TP chia thành hai giai đoạn. Năm 2021, TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19, GRDP giảm sâu (-4,01%).

Giai đoạn 2022 - 2025 là giai đoạn phục hồi và phát triển. Dự ước tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 9,26%; năm 2023 đạt 5,81%; ước 2024 đạt 7,5% - 8%; dự ước năm 2025 đạt 8,5%) bình quân của TP (khoảng 7,9%) gần đạt kế hoạch (8%).

Năng suất lao động tiếp tục được cải thiện với tốc độ tăng 4%, giá trị năng suất lao động gấp 1,8 lần trung bình cả nước.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 157,5 tỷ USD, tăng 28,53% so với cùng kỳ giai đoạn trước. Hạ tầng logistis và ngành vận tải, kho bãi tăng trưởng khá. Ngành du lịch nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng khách và doanh thu. Dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh gắn với chuyển đổi số. Lĩnh vực công nghiệp phát triển với hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng cao…

Kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động. Ảnh: PLO

Kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động. Ảnh: PLO

Thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường vốn giữ vai trò là trung tâm tài chính, tiền tệ của cả nước. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng trưởng với tốc độ bình quân gấp 1,4 lần so với giai đoạn trước, tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán phát triển ổn định.

Thị trường khoa học và công nghệ tăng trưởng về quy mô, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Thị trường lao động tiếp tục phát triển, công tác xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề được đẩy mạnh.

Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,7%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tại TP.HCM đạt 87,7%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Ảnh: PLO

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tại TP.HCM đạt 87,7%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Ảnh: PLO

Nguồn lực đất đai được phát huy, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch theo hướng mở rộng quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, xây dựng đô thị, từng bước đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trung bình duy trì được tỷ lệ khoảng 22,6% so với tổng GRDP TP; cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước. Nguồn kiều hối ước đạt 23,16 tỷ USD, tăng 55,43% so với cùng kỳ giai đoạn trước.

Đến tháng 6- 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 1,59 triệu tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ giai đoạn trước, với tốc độ tăng thu bình quân 26,4%.

TP.HCM cũng từng bước hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của TP...

Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 17,56 tỷ USD. Mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn phát triển ngày càng rộng khắp. Các hoạt động hợp tác, liên kết vùng được tập trung, chú trọng triển khai trên nhiều lĩnh vực với nhiều địa phương trên cả nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển du lịch, giao thông kết nối, hợp tác và hỗ trợ y tế, giáo dục, góp phần huy động nguồn lực và mở rộng không gian phát triển của TP.

Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố thông minh có nhiều chuyển biến, từng bước giải quyết những vấn đề thách thức đặt ra.

TP.HCM đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu, triển khai lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Hoàn thành báo cáo đề xuất ý tưởng quy hoạch dọc hành lang sông Sài Gòn và tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông.

Tập trung huy động các nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; kiên trì và quyết liệt thực hiện các giải pháp bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh công tác bồi thường, tái định cư các dự án; thúc đẩy tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trọng yếu. Công tác quản lý trật tự xây dựng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, kéo giảm tình trạng xây dựng không phép, sai phép…

Công tác giảm ùn tắc được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là các khu vực cửa ngõ TP, từng bước kéo giảm tai nạn giao thông.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự buổi thông xe hầm chui Trần Quốc Hoàn- Phan Thúc Duyện kết nối nhà ga T3 và sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 10-8. Đây là một trong những dự án quan trọng làm thay đổi bộ mặt đô thị TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự buổi thông xe hầm chui Trần Quốc Hoàn- Phan Thúc Duyện kết nối nhà ga T3 và sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 10-8. Đây là một trong những dự án quan trọng làm thay đổi bộ mặt đô thị TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG

Các giải pháp xây dựng hệ thống đô thị thông minh đã được tập trung triển khai có kết quả, nhất là quản lý giao thông, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và du lịch.

Từng bước đổi mới phương thức làm việc trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành.

TP.HCM cũng đầu tư nhiều nguồn lực phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển về quy mô và chất lượng theo hướng hội nhập quốc tế. Đến nay, toàn TP có 343 trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học, bậc học.

TP.HCM tiếp tục chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018... Tiên phong thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc mầm non.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ, từng bước trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với kinh tế tri thức.

Song song đó, tập trung giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, chăm lo gia đình chính sách, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.

Tính đến tháng 6 năm 2024, TP.HCM đã giải quyết việc làm cho 1.079.236 lượt lao động; trong đó, tạo việc làm mới cho 497.774 lao động (đạt 71,11% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra).

Chú trọng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng

Về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, TP.HCM đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng cả về tiềm lực và thế trận.

TP.HCM luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của địa phương đối với quốc phòng, an ninh đất nước, cấp ủy và chính quyền TP tiếp tục ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo khá đồng bộ và toàn diện về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

Triển khai kịp thời các chiến lược quan trọng Bộ Chính trị ban hành, nhất là Chiến lược Quân sự, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn kiện tác chiến phòng thủ, các phương án, kế hoạch phòng, chống gây rối, biểu tình, bạo loạn, khủng bố.

TP.HCM xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa Quân đội, Công an với các lực lượng chức năng trong nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh...

Tiếp tục đầu tư nguồn lực cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, triển khai thực hiện nhiều dự án, công trình phòng thủ, công trình quân sự, bảo đảm phòng thủ hiệu quả trong các tình huống quốc phòng, an ninh, chú trọng địa bàn trọng yếu, khu vực trung tâm và hướng chiến lược biển Cần Giờ. Không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về quốc phòng; hoàn thành 100% chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ hàng năm.

Các lực lượng Công an TP.HCM trong một lần ra quân trấn áp tội phạm. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Các lực lượng Công an TP.HCM trong một lần ra quân trấn áp tội phạm. Ảnh: NGUYỄN TÂN

TP.HCM cũng quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu; bảo đảm quân đội có đủ khả năng làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, bảo đảm lực lượng vũ trang luôn vững vàng, kiên định lập trường tư tưởng, gắn bó máu thịt với Nhân dân.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm; xây dựng lực lượng Công an TP.HCM chính quy, chuyên nghiệp.

Toàn hệ thống chính trị TP đã quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kết luận số 13 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Kết luận số 15 của Ban Bí thư về công tác bảo đảm an ninh chính trị trong tình hình mới; gắn kết và lồng ghép với thực hiện Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm (2021 - 2025).

Nắm chắc tình hình kịp thời phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa âm mưu, ý đồ, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các hoạt động tuyên truyền, kích động tụ tập đông người, biểu tình, gây rối an ninh trật tự.

Công khai hóa các tổ chức chính trị đối lập; chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý các hoạt động chống đối trên internet, mạng xã hội. Sẵn sàng phương án ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Tham mưu xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, không để phát sinh thành “điểm nóng”, nhất là đình công, lãn công, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai ở các địa bàn trọng điểm, khu vực trọng điểm.

Chủ động xây dựng và thực hiện các phương án phòng ngừa, giải quyết các vấn đề bức xúc về an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở. Tập trung đấu tranh kéo giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, cướp giật, trộm cắp, xâm hại trẻ em; đấu tranh trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm có tổ chức, sử dụng công nghệ cao. Công tác đấu tranh triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy đạt nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ điều tra phá án ngày càng tăng; kéo giảm số vụ cháy nổ.

Đổi mới thực chất việc rà soát, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ

Từ đầu nhiệm kì đến nay, công tác tổ chức xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng.

TP.HCM đã tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với tinh giản biên chế, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức cơ sở đảng phù hợp điều kiện cụ thể của từng đảng bộ, bảo đảm thống nhất về tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đến nay, Đảng bộ TP.HCM giảm từ 65 đảng bộ còn 52 đảng bộ trực thuộc.

TP.HCM có những đổi mới thực chất về việc rà soát, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM có những đổi mới thực chất về việc rà soát, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM cũng chú trọng, tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ theo hướng liên thông, đồng bộ, chặt chẽ, toàn diện gắn với cải cách hành chính; bảo đảm nguyên tắc dân chủ, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.

Quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; đổi mới thực chất việc rà soát, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ; vừa tuân thủ quy trình quy định của Trung ương, vừa công tâm khách quan, lắng nghe dư luận, lắng nghe ý kiến của Nhân dân trong nhận xét đánh giá cán bộ...

Kịp thời ban hành nhiều quy định về công tác cán bộ và chính sách cán bộ, nhất là quy định về từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý các nguồn thông tin theo Quy định số 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm phát hiện, đấu tranh, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Qua đó, đã từng bước xây dựng nền nếp trong toàn Đảng bộ, trước hết là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng về ý thức chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc “tập trung dân chủ”.

Song song đó, TP.HCM không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Công tác cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được tập trung chỉ đạo thường xuyên, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, qua đó nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được nâng lên, nhiều biện pháp phòng ngừa được triển khai sâu rộng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP sau khi thành lập đã khẩn trương xây dựng, ban hành Quy chế làm việc, Chương trình công tác, Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và Chương trình kiểm tra, giám sát định kỳ, sớm đưa hoạt động vào nền nếp. Ảnh: THANH THÙY

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP sau khi thành lập đã khẩn trương xây dựng, ban hành Quy chế làm việc, Chương trình công tác, Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và Chương trình kiểm tra, giám sát định kỳ, sớm đưa hoạt động vào nền nếp. Ảnh: THANH THÙY

Chăm lo kiện toàn, củng cố, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả gắn với xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân.

Đọc thêm