Giải pháp cốt lõi để kinh tế TP.HCM đạt tăng trưởng 7,5%-8%

Giải pháp cốt lõi để kinh tế TP.HCM đạt tăng trưởng 7,5%-8%

(PLO)- Trong sáu tháng cuối năm 2024, TP.HCM phải tập trung ưu tiên các động lực tăng trưởng về xuất khẩu, tiêu dùng, chi tiêu công, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, thi công các dự án quan trọng.

Sáng nay (15-7), HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ khai mạc kỳ họp giữa năm với nhiều nội dung quan trọng nhằm xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP trong sáu tháng đầu năm 2024.

Theo ThS Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), sau rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế TP trong sáu tháng đầu năm 2024 đạt mốc trung bình khá với 6,46%. Dù vậy, để chạm mục tiêu 7,5%-8% vào cuối năm, TP.HCM phải tập trung hết sức để tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn cản trở nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

p2+3-anh-truc-van.jpg
ThS Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP.HCM (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM).

Khó nhất là khả năng hấp thụ vốn

. Phóng viên: Dù còn nhiều khó khăn song bức tranh kinh tế - xã hội TP.HCM sáu tháng đầu năm 2024 vẫn có nhiều tín hiệu tích cực giúp GRDP đạt được 6,46%. Cụ thể ra sao, thưa bà?

+ ThS Nguyễn Trúc Vân: Ở góc độ tổng cung, tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm 2024 đạt 6,46%, chủ yếu đóng góp từ tăng trưởng của khu vực dịch vụ (tăng 7,26%) và công nghiệp (tăng 5,55%).

Sản xuất công nghiệp khởi sắc với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 5,6%, đây là mức tăng cao nhất trong ba năm gần đây. Đà tăng trưởng duy trì đã giúp việc làm tăng trở lại.

Bên cạnh đó, quý II là quý bắt đầu vào hè, nhu cầu về du lịch tăng mạnh dẫn đến doanh thu du lịch tăng cao so với cùng kỳ. Kéo theo đó là sự tăng trưởng của các ngành như dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, lữ hành đều tăng trưởng tốt.

Thị trường tài chính - tiền tệ, việc tăng trưởng tín dụng ở các kỳ hạn đến từ lãi suất thấp cùng nỗ lực điều tiết của chính quyền TP đã và đang kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển với mức tăng tổng dư nợ tín dụng là 10,2% so với cùng kỳ.

Còn ở góc độ tổng cầu, cầu tiêu dùng hàng hóa được thể hiện thông qua tổng mức bán lẻ tăng trưởng tích cực ở cả doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì được đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng dương. Chi ngân sách tăng mạnh, chủ yếu ở hoạt động chi đầu tư phát triển (tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ). Điều này cho thấy quyết tâm, nỗ lực của TP trong việc lan tỏa và tạo động lực cho nền tảng phát triển của TP.

Ngoài ra, các động lực tăng trưởng khác cũng dần khởi sắc. Niềm tin doanh nghiệp (DN) đã có những tín hiệu tích cực hơn với 9.796 DN hoạt động trở lại, tăng 34,7% so với cùng kỳ…

Giải pháp cốt lõi để kinh tế TP.HCM đạt tăng trưởng 7,5%-8%, động lực tăng trưởng
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại TP.HCM tăng trưởng tích cực trong sáu tháng đầu năm. Trong ảnh: Người dân mua hàng trong siêu thị ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Vậy thách thức lớn nhất lúc này của TP.HCM là gì?

+ Tôi cho rằng đó là khả năng hấp thụ vốn của TP vẫn chưa cao. Theo Cục Thống kê TP.HCM, lũy kế sáu tháng đầu năm 2024 tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của TP ước thực hiện là hơn 148.355 tỉ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ, chiếm tỉ trọng 17,35% trong tổng GRDP của TP.

Trong đó, vốn nhà nước ước tính đạt 30.598 tỉ đồng, chiếm 20,6% và tăng 1,6% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước tính đạt gần 102.000 tỉ đồng, chiếm 68,6%, tăng 3,8%; vốn đầu tư nước ngoài ước tính đạt hơn 16.011 tỉ đồng, chiếm 10,8%, giảm 2,2%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội được xem là một trong những động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP, góp phần tạo tác động lan tỏa, thông qua đầu tư cải thiện sản xuất, tạo việc làm và kích thích tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc hấp thụ cả ba dòng vốn trụ cột này có dấu hiệu chậm lại nửa đầu năm nay, đáng chú ý vốn đầu tư nước ngoài có chiều hướng giảm. Nguyên nhân là do DN trong nước chưa thật sự tin tưởng vào tín hiệu khả quan của nền kinh tế hoặc chưa tiếp cận được nguồn vốn…

Còn với nguồn vốn đầu tư nước ngoài giảm là do tình hình kinh tế thế giới chưa thật sự phục hồi mạnh mẽ, các nhà đầu tư nước ngoài cũng còn hạn chế nguồn lực, một số quốc gia có chính sách khuyến khích đầu tư trong nước. Thêm vào đó, chính sách tạo động lực như thu hút nhà đầu tư chiến lược, đầu tư mô hình công tư (PPP) đã được ban hành nhưng chưa thật sự phát huy hiệu quả.

Mặt khác, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều vướng mắc từ thủ tục đến quy hoạch, điều này thể hiện qua kết quả sáu tháng năm 2024 chỉ giải ngân được 10.911 tỉ đồng, đạt 13,8% tổng kế hoạch vốn được giao. Chính vì vậy, tôi cho rằng để đạt mục tiêu 95% giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2024 là một thách thức lớn.

kinh-te-tphcm-2024-6271.jpg
Thời gian tới, TP.HCM phải tập trung ưu tiên cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính, bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng, chi tiêu công và đầu tư.

Mục tiêu tăng trưởng 7,5% vẫn khả thi

. TP.HCM đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 7,5%-8%. Với tình hình hiện nay, con số này liệu còn khả thi?

+ Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 là 7,5%-8%, tăng trưởng quý III-2024 phải đạt từ 7,5% trở lên và quý IV phải đạt ít nhất 9,5%.

Với bối cảnh hiện nay, một số tổ chức quốc tế đã nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ổn định trở lại sau nhiều năm với những cú sốc tiêu cực; Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 2,6% (tăng 0,2% so với dự báo vào tháng 1).

Tình hình sản xuất, kinh doanh của ba nền kinh tế lớn là Trung Quốc, Mỹ, Eurozone cũng có một số dấu hiệu tích cực. Bên cạnh đó, kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước đã được các tổ chức cập nhật lại theo hướng điều chỉnh tăng ở mức 6%-6,5% và thông thường tăng trưởng TP sẽ cao hơn cả nước khoảng 0,8%-1%. Chưa kể các năm qua TP thường xuyên tăng tốc vào quý III và quý IV.

Với bối cảnh hiện nay, TP.HCM có cơ sở để hướng đến mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 7,5%. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó đoán định; kinh tế trong nước cũng đang đối mặt với một số thách thức nhất định. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 7,5% là một thách thức lớn, đòi hỏi TP phải có những giải pháp bứt phá trong sáu tháng cuối năm.

cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.jpg
TP.HCM cần sớm hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trong đó có cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Đồ họa: HỒ TRANG

Tập trung đầu tư công để hấp thụ vốn

. Vậy để đạt được mục tiêu 7,5% này, TP.HCM cần tập trung tháo gỡ ở đâu và đâu là điểm mấu chốt để kích thích kinh tế bứt phá về đích?

+ Để đạt được mục tiêu 7,5%, TP.HCM phải tập trung ưu tiên cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính, bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng, chi tiêu công và đặc biệt là đầu tư gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, để tăng cường hấp thụ vốn đầu tư, TP nhất định phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, thi công các dự án quan trọng. Đồng thời tập trung hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như đường vành đai 2 (đoạn 1 và đoạn 2), đường vành đai 4; các cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…

Cùng với đó, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, công tác quy hoạch, tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ.

Đối với việc thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, TP phải tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành chip bán dẫn, linh kiện, thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới…

Xúc tiến đầu tư để thu hút các tập đoàn đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào những ngành mới như chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, AI, điện, điện tử...

Một điểm nữa là TP cần nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho phân khúc nhà ở bình dân. Việc này sẽ giúp khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển và tăng sức mua cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc cận trung bình; đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội. Một mục tiêu khác là nhằm đôn đốc, gỡ vướng cho các DN bất động sản trong phát triển dự án, nhất là những dự án có khả năng thanh khoản tốt.

Để thúc đẩy xuất khẩu, tôi cho rằng TP phải giải quyết các vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ DN tiếp cận vốn, khai thác các hiệp định thương mại tự do, mở rộng sang các thị trường xuất khẩu tiềm năng…

TP.HCM cũng nên đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các DN những mặt hàng có thể gặp rủi ro, bị tiến hành điều tra; thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa không bán phá giá. Đáng chú ý, DN cần sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc, xuất xứ từ các quốc gia nằm trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, tránh nhập khẩu nguyên vật liệu từ các quốc gia đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại…

Đồng thời tăng cường sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược để trang bị kiến thức, cung cấp đào tạo cho DN vừa và nhỏ. Thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng, khuyến khích các DN sản xuất trong nước nhanh chóng nắm bắt xu hướng, cơ hội xuất khẩu trực tuyến.

. Xin cảm ơn bà.

Đẩy nhanh tiến độ hàng loạt công trình

Để đạt được mục tiêu giải ngân hơn 79.200 tỉ đồng thì từ nay đến cuối năm, TP phải giải ngân 10.000 tỉ đồng/tháng. Điều này cần sự nỗ lực từ nhiều phía mà trước hết phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được TP chỉ ra.

Song song đó là tháo gỡ và triển khai các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98, tập trung hoàn thiện các thủ tục liên quan cũng như đẩy nhanh việc triển khai các dự án, đề án trọng điểm của TP.

Các chủ đầu tư dự án cần có phương án đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đề ra với từng hạng mục công trình và toàn bộ dự án; chịu trách nhiệm kiểm tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật với các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công; xử phạt, xử lý nghiêm các vi phạm.

Một việc cần làm nữa là phải đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1 và tập trung hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như tôi đã nêu ở trên cùng năm dự án áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết 98.

Đặc biệt, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng về Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch cụ thể. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đồ án điều chỉnh Quy hoạch TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Đây là việc cần làm gấp để gỡ vướng cho các dự án, công trình, tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong giải ngân đầu tư công.

ThS NGUYỄN TRÚC VÂN

*****

Rà soát giải pháp để chỉ số cải cách hành chính của TP trở lại top 5

Tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2024 hôm 1-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tập trung mọi nỗ lực, tìm mọi giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở quý III và quý IV, phải đạt từ 7% trở lên và quý IV cố gắng đạt 8%. Trong đó, tập trung mạnh mẽ cho các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Mãi, giải ngân vốn đầu tư công đang còn vướng mắc ở khâu thủ tục. Tuy nhiên, chỉ trong một tuần trước đó, TP giải ngân được 2.716 tỉ đồng. Do vậy, việc đặt ra mục tiêu mỗi tháng giải ngân 10.000 tỉ đồng là hoàn toàn có thể làm được nếu TP gỡ được các vấn đề này và hoàn toàn tập trung.

P2+3-chu-tich-phan-van-mai.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2024 hôm 1-7. Ảnh: TTBC

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các quận, huyện, sở, ngành báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công để điều chỉnh vốn, trình HĐND TP xem xét thông qua tại kỳ họp lần này. Nếu chậm trễ, chủ đầu tư và Sở KH&ĐT phải chịu trách nhiệm.

Ông Mãi cũng yêu cầu các ban quản lý dự án lớn cấp TP.HCM xem xét chuyển giao dự án về cho quận, huyện triển khai hoặc cấp quận làm tốt thì mạnh dạn trao đổi, đề xuất nhận thêm dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Ông Phan Văn Mãi khẳng định sau khi quy hoạch chung của TP Thủ Đức, quy hoạch TP.HCM và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM được phê duyệt, TP sẽ tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư lớn để phát huy việc này vào các công trình, dự án. Để phát triển kinh tế TP, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị phải kích cầu thương mại, du lịch, mua sắm doanh nghiệp, chi tiêu của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp. Trong phát triển du lịch, phải hoàn thiện các chuỗi sự kiện thương hiệu của TP, định hình theo tháng để kích cầu du lịch, để TP.HCM là điểm đến và giữ được du khách.

“Chúng ta không đo bằng số lượng khách đến TP.HCM mà phải đo bằng thời gian lưu trú, số tiền khách chi tiêu” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được người đứng đầu chính quyền TP.HCM lưu ý là các cơ quan, đơn vị cần rà soát các giải pháp đột phá để cuối năm 2025, chỉ số cải cách hành chính của TP phải trở lại top 5.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, tại kỳ họp giữa năm nay, HĐND TP.HCM cũng sẽ tổ chức giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chương trình cải cách hành chính về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2025”.

Đọc thêm