Hôm nay (16-4), theo lịch xét xử thì TAND TP Hà Nội đưa vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) ra xử sơ thẩm. Ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá (chủ tịch HĐQT ACB) cùng bảy bị cáo khác sẽ ra tòa với nhiều tội danh khác nhau.
Phiên xử do Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính làm chủ tọa, dự kiến kéo dài trong 14 ngày, từ ngày 16 đến ngày 29-4.
Thiệt hại do “dính” vụ Huyền Như
Trong vụ án này, bầu Kiên bị truy tố bốn tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế và kinh doanh trái phép.
Sáu bị cáo khác, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá, bị truy tố về tội cố ý làm trái… Ngoài ra, hai bị cáo còn lại bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, ngày 22-3-2010, Thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT) ACB (gồm ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải) có nghị quyết thông qua chủ trương liên quan đến việc kinh doanh của ACB. Thực hiện chủ trương nói trên và chủ trương của bầu Kiên, Tổng Giám đốc ACB Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện việc ủy thác số tiền gần 719 tỉ đồng cho 19 nhân viên ACB gửi tiết kiệm vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Toàn bộ số tiền ủy thác này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt.
Ngoài kinh doanh ngân hàng, bầu Kiên còn được biết đến như một ông bầu mát tay trong lĩnh vực bóng đá. Ảnh: QUANG THẮNG
Cáo trạng nhận định nghị quyết nói trên của Thường trực HĐQT ACB được thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác. Vì vậy, hành vi của các bị cáo trên đã vi phạm Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và gây thiệt hại cho ACB số tiền 719 tỉ đồng.
Ngoài số tiền gần 719 tỉ đồng gửi vào VietinBank, từ ngày 26-1-2011 đến ngày 22-9-2011, ACB còn ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng với tổng số tiền hơn 28.000 tỉ đồng và 71 triệu USD. Việc ủy thác này cũng được nhận định là làm trái quy định tại Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng. Hành vi làm trái này đã thu lợi cho ACB số tiền lãi vượt trần trên 243 tỉ đồng. Số tiền lãi này đã được ACB hạch toán, trích nộp thuế theo quy định và không gây thiệt hại về tài sản cho ACB nên chưa đủ yếu tố xác định là hành vi phạm tội.
Bốn cáo buộc đối với bầu Kiên
Về tội kinh doanh trái phép, cáo trạng xác định bầu Kiên đã thông qua sáu công ty do mình làm chủ tịch HĐQT hoặc chủ tịch hội đồng thành viên tổ chức hoạt động kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh. Bầu Kiên đã lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền trên 21 ngàn tỉ đồng.
Với tội trốn thuế, cáo trạng cho rằng bầu Kiên đã dùng thủ đoạn ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B (do ông Kiên làm chủ tịch HĐQT) với Nguyễn Thúy Hương (em gái ông Kiên). Qua đó, ông chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp sang cho cá nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B với số tiền trên 25 tỉ đồng.
Ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cáo trạng xác định bầu Kiên đã chỉ đạo giám đốc và kế toán trưởng Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT. Hai văn bản này thể hiện chủ trương của HĐQT ACBI bán 20 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát (mà ACBI đang sở hữu) để tạo lòng tin cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát ký hợp đồng mua cổ phần và chuyển giao 264 tỉ đồng nhưng không được sở hữu cổ phần đã mua.
Ngoài ra, cáo trạng còn quy buộc bầu Kiên cùng lãnh đạo ACB đã chỉ đạo và thực hiện việc đầu tư mua cổ phiếu ACB trái quy định, tiếp tục gây thiệt hại cho ngân hàng này trên 687 tỉ đồng. Với hai hành vi này, bầu Kiên bị truy tố tội cố ý làm trái.
ĐỨC MINH
Ông Giá bị bệnh, liệu phiên tòa có hoãn? Ngay trước phiên xử, các luật sư trong vụ án đã đồng loạt ký văn bản gửi TAND TP Hà Nội kiến nghị hoãn phiên tòa. Các luật sư cho rằng vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo 4.000 tỉ đồng chưa được xử phúc thẩm nên chưa xác định được rõ ràng ACB có bị thiệt hại số tiền gần 719 tỉ đồng hay không? Trước đó, ngày 27-1, TAND TP.HCM đã tuyên buộc Huyền Như phải bồi thường cho ACB số tiền 668 tỉ đồng, đồng thời liên đới với một bị cáo khác bồi thường cho ACB 50 tỉ đồng… Tuy nhiên, sau khi án tuyên, hầu hết nguyên đơn dân sự và bị hại gửi tiền vào VietinBank đều kháng cáo yêu cầu VietinBank trả tiền cho các tổ chức, cá nhân đã gửi tiền vào VietinBank. ACB cũng kháng cáo yêu cầu VietinBank trả số tiền 913 tỉ đồng (gồm tiền gốc và lãi). Trong một diễn biến khác, trả lời báo Một Thế Giới, ông Trần Xuân Giá cho biết mình đang phải điều trị tại BV Hữu Nghị (Hà Nội), chắc chắn không thể tham dự phiên tòa hôm nay. “Tôi vẫn rất mệt và phải di chuyển bằng xe lăn” - ông Giá nói. Cũng theo ông Giá, cơ quan tố tụng có yêu cầu ông viết đơn xin xét xử vắng mặt nhưng ông không đồng ý: “Tôi phải tham dự phiên tòa này vì lợi ích của cá nhân tôi. Tôi không thể vắng mặt được. Thế nên tôi chỉ viết đơn với nội dung không đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa”. Theo Điều 187 BLTTHS, nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. |