Ngày 5-7, tại TP.HCM, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hỗ trợ tài chính năm 2019 cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết: “Trong thời gian qua, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã hỗ trợ tài chính cho hàng trăm dự án bảo vệ môi trường với số tiền hơn 2.500 tỉ đồng. Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ về chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.
Đồng thời khẳng định vai trò của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là một trong những công cụ của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường".
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NC
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, trong quá trình hoạt động cũng đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc về cơ chế huy động vốn, cơ chế cho vay, hỗ trợ lãi suất, tài trợ… Đồng thời, số lượng các dự án bảo vệ môi trường được hỗ trợ tài chính của Quỹ cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đề nghị các đại biểu tham dự phát biểu thẳng thắn, nhìn nhận lại các tồn tại, hạn chế trong công tác cho vay, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, trình tự thủ tục; làm rõ nguyên nhân và đề xuất các kiến nghị giải pháp cụ thể; những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và quá trình hoạt động của các Quỹ môi trường địa phương...
Về kết quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2018 và những năm tiếp theo, bà Dương Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết: Trong giai đoạn 2019 -2021, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ tiếp tục phục vụ các chương trình mục tiêu, trọng điểm của Chính phủ và Bộ TN&MT, gồm: Cải tạo môi trường các lưu vực sông, ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm môi trường khu công nghiệp; ô nhiễm chất thải sinh hoạt; Ứng dụng và triển khai công nghệ sạch, thân thiện môi trường; Tiết kiệm năng lượng.
Những khó khăn mà các doanh nghiệp nêu lên là hạn chế về nguồn vốn, thời gian vay vốn chưa tương xứng đối với thời gian hoạt động của dự án bảo vệ môi trường,…
Nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường trong thời gian tới, bà Dương Thị Phương Anh cho biết, Quỹ sẽ tạo mối quan hệ chặt chẽ với đối tác có liên quan như các ngân hàng thương mại, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường địa phương, các tổ chức bảo vệ môi trường hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương.
Đồng thời, Quỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về vốn trợ giá, thủ tục cấp phát ngân sách hỗ trợ giá điện gió; đảm bảo giải quyết chính sách kịp thời và đầy đủ cho doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ....
Tại Hội nghị, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT đã giới thiệu chi tiết Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13-5-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.