Ngày 20-12, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết đến nay ngành chức năng của tỉnh vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân khiến 3,37 ha rừng đặc dụng tại xã Thạnh Phong bị chết khô đồng loạt.
Trước đó, hôm 13-11, Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Thạnh Phú kiểm tra và phát hiện diện tích rừng đước tại lô 3, khoảnh 4, tiểu khu 19, phân khu phục hồi sinh thái 2 (ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong) bị chết đồng loạt. Kết quả kiểm tra xác định diện tích cây rừng bị chết 3,37 ha/4,5 ha. Số còn lại nằm ở bìa rừng không bị chết vẫn sinh trường phát triển bình thường.
Hơn 3 ha rừng chết chưa rõ nguyên nhân
Ngày 22-11, đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tiến hành kiểm tra và xác định rừng chết không do sâu bệnh. Mặt khác, đoàn kiểm tra phát hiện nguồn nước tại đây có màu đục, mùi hôi. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra cây rừng bị chết cách đó khoảng 60-80 ngày nhưng khi phát hiện thì đã quá trễ.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 9 mẫu gồm: đất, nước, rễ cây để gửi đi kiểm nghiệm xác định nguyên nhân rừng chết. Qua kết quả phân tích ngành chức năng xác định có hai nguyên nhân khiến rừng bị chết. Thứ nhất, chỉ tiêu độ dẫn điện khá cao có thể gây ra hiện tượng mất nước làm cây chết; thứ hai hàm lượng clo trong nước ở khu rừng bị chết quá cao so với bình thường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, hai kết quả trên không đủ cơ sở để xác định chính xác nguyên nhân rừng chết.
Được biết, khu rừng đước tại khu vực trên được trồng cách nay 20 năm, mật độ rừng 5.000 cây/ha. Phần diện tích rừng bị ảnh hưởng do ông TVD (ngụ ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng với ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre.
Tại mặt tiếp giáp với khu rừng trên là 3 vuông tôm có diện tích khoảng 8.000 m2 diện tích mặt nước của ông D. sử dụng nuôi tôm nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, cho biết các thành viên trong đoàn kiểm tra đã họp mới đây, thống nhất sẽ để xuất tiến hành bổ đập thay đổi nguồn nước tại khu rừng trên nhằm cứu một số cây còn sống sót. Đồng thời để xuất BQL rừng phối hợp với UBND xã Thạnh Phong rà soát chấn chỉnh lại việc nuôi tôm thâm canh quanh các lô rừng phòng hộ và đặc dụng.
Về hướng xử lý đối với diện tích rừng bị chết, ông Phạm Văn Trường, Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre, cho biết tạm thời chưa xử lý gì đối với những cây rừng bị chết mà phải chờ xin chủ trương cấp trên cho được khai thác tận thu những cây rừng bị chết và trồng lại rừng mới diện tích rừng nêu trên.