Hơn 3.000 kiến nghị rà soát quy phạm pháp luật

Các kiến nghị này được gửi về Tổ công tác của Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, sau hơn 3 tháng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác triển khai nhiệm vụ, tính đến 15-5.

“Chúng tôi đang phân loại theo các nhóm nội dung, xem kiến nghị nào liên quan đến thực thi pháp luật, phần nào do quy định pháp luật. Các ngành sẽ rà soát, phát hiện các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, các quy định gây cản trở sự phát triển, từ đó sẽ có kiến nghị, đề xuất”, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đơn vị đầu mối của Bộ Tư pháp cho biết.

Để chuẩn bị cho công việc này, Tổ công tác đã lập 11 chuyên đề, theo các nhóm quy định cần tập trung rà soát chuyên sâu trong năm 2020, bao gồm:

- Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp;

- Phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư (gồm cả dự án đầu tư công); tài chính, thuế;

- Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản;

- Lao động, việc làm và an sinh xã hội; hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp;

- Kiểm tra chuyên ngành (trọng tâm là kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu);

- Bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp;

- Phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế;

- Quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;

- Nhóm quy định pháp luật gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế.

Trong đó, nhóm cuối cùng đã được rà soát trước để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19 gây ra.

Đối với 10 chuyên đề còn lại, các nhóm làm việc đang đối chiếu các quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực hoặc với các lĩnh vực khác có liên quan để nhận diện những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Trong quá trình rà soát, cùng với kiến nghị, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp, Tổ công tác của Chính phủ sẽ có các hình thức tham vấn rộng rãi, thực chất các chuyên gia, nhà khoa học, và cả đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

Bên cạnh việc rà soát độc lập, chuyên sâu đối với các chuyên đề, lĩnh vực nêu trên, các bộ, ngành còn rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

Theo kế hoạch, nội dung này sẽ được các bộ, ngành hoàn thành trong tháng 6 để Bộ Tư pháp tổng hợp kết quả, báo cáo Chính phủ. Kết quả rà soát đối với toàn bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới