Hơn 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

(PLO)- Tại Việt Nam, khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính được phát hiện hằng năm, có hơn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, nhân sự kiện Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3, lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương đã thông tin về tình hình bệnh lao tại Việt Nam.

Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Năm 2023, ước tính số liệu Việt Nam năm 2022 có thêm một 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Lao đa kháng thuốc ước tính chiếm 4,5 % trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Lao đồng nhiễm HIV ước tính chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao được phát hiện.

Số bệnh nhân lao được phát hiện hằng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (lớn hơn 100.000 bệnh nhân). Như vậy, sẽ có hơn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.

Trong hai năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia bước đầu đạt được những thành tựu tích cực trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác chẩn đoán bệnh lao. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo mang lại ý nghĩa lớn cho hoạt động phát hiện bệnh lao, đặc biệt là các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.

Để hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, Chương trình Chống lao Quốc gia đã huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ để hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực triển khai các hoạt động có hiệu quả.

Thành công của năm 2023 có sự góp phần không nhỏ của chính sách mở rộng triển khai chiến lược 2X, bao gồm sử dụng X-quang lồng ngực và xét nghiệm sinh học phân tử ở cộng đồng và các cơ sở y tế.

“Có thể nói dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao rất thấp. Muốn đạt được mục tiêu châm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035, Chương trình Chống lao cần triển khai tối ưu các chiến lược, chính sách hiện có đó là: bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội” - lãnh đạo này nói.

Đồng thời, nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vaccine mới, các tiếp cận can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây, điều trị lao tìm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm