Tại Hội thảo cập nhật điều trị bệnh lý viêm mũi dị ứng và mề đay diễn ra vào ngày 25-7, các chuyên gia cho biết, VMDƯ nằm trong nhóm bệnh dị ứng gồm: Suyễn, nổi mề đay, chàm da. Tỷ lệ VMDƯ ngày càng tăng ở những quốc gia có nền công nghiệp phát triển do ô nhiễm môi trường, hoặc vùng nhiệt đới như Việt Nam. 80% trường hợp bệnh bắt đầu trước 20 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong khoảng 12-15 tuổi. Ở trẻ em, tỉ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn so với nữ. Ở người lớn, tỉ lệ bệnh tương đồng giữa nam và nữ. Tần suất bệnh xuất hiện ở thành thị cũng cao hơn nông thôn.
Giữ vệ sinh sạch sẽ đường thở tránh tác nhân gây bệnh VMDƯ.Ảnh:TÙNG SƠN
VMDƯ có các triệu chứng phổ biến như viêm kết mạc dị ứng, ngứa và chảy nước mũi, nghẹt mũi, sung huyết mũi, nhức đầu, giảm khứu giác, khó thở… khiến giấc ngủ người bệnh bất thường, giảm sinh hoạt hằng ngày, hạn chế khả năng học tập, làm việc.
Bên cạnh đó, nổi mề đay cũng rất thường gặp với hai triệu chứng chính là ngứa và nổi mẩn đỏ trên da, nguyên nhân gây ra có thể là những chất bình thường và vô hại ở xung quanh chúng ta như thức ăn (tôm, cua, trứng, thịt gà…), bụi nhà, thời tiết, thuốc…hoặc không tìm ra nguyên nhân.
Các chuyên gia khuyến cáo việc nâng cao ý thức phòng tránh bệnh của mỗi cá nhân, chủ động kiểm soát môi trường, tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Nếu xuất hiện các triệu chứng kể trên nên tới khám bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời và hiệu quả.