Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1.100-1.200 bệnh nhân đến khám, trong đó bệnh nhân viêm mũi họng cấp, viêm xoang cấp chiếm đến 950 ca, tỉ lệ 80%-90%.
Triệu chứng chính của viêm mũi họng, viêm xoang cấp là sốt, nghẹt mũi, đau họng, nước mũi trong chuyển màu vàng xanh, đau nhức vùng mặt, ho đàm tăng nhiều về đêm, hơi thở hôi, bệnh nhân có thể kèm đau tai…
Theo BS Tú, người bị viêm mũi họng cấp thông thường do nhiễm siêu vi. Nếu có nhiễm trùng sẽ cho bệnh nhân dùng kháng sinh. Nếu không nhiễm trùng sẽ cho điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt, chống nghẹt mũi, tăng cường sức đề kháng bằng vitamin, hướng dẫn bệnh nhân uống nước nhiều, nghỉ ngơi và vệ sinh mũi họng. Bệnh này thường kéo dài một tuần , sau đó các triệu chứng sẽ thuyên giảm.
Tuy nhiên, khi thấy mệt mỏi, lừ đừ, sốt cao hơn, bệnh nhân nên tái khám để kiểm tra lại xem có phải sốt xuất huyết hay bệnh lý khác. BS Tú khuyến cáo người bị viêm mũi họng cấp không nên lạm dụng kháng sinh nếu không sẽ bị nhiễm trùng.
Còn viêm mũi xoang cấp là tình trạng các xoang và hốc mũi viêm, phù nề gây tắc nghẽn sự dẫn lưu trong mũi xoang. Nguyên nhân có thể do siêu vi (nguyên nhân hàng đầu), do vi trùng hay nhiễm nấm… Những người có cơ địa dễ dị ứng, bất thường cấu trúc mũi khi thời tiết thay đổi dễ bị viêm mũi xoang cấp. Viêm mũi xoang cấp nếu không điều trị kịp thời có thể gây một số biến chứng như viêm xoang mạn, viêm tai giữa, áp xe hốc mắt có thể gây mù hay biến chứng nội sọ gây nguy hiểm đến tính mạng, nhiễm trùng huyết.
BS Tú khuyến cáo khi thời tiết giao mùa, để phòng bệnh nên uống nước nhiều, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin tăng cường sức đề kháng, không nên thay đổi môi trường nóng-lạnh đột ngột… Đặc biệt, những bệnh nhân viêm mũi dị ứng cần tuân thủ điều trị kéo dài 3-6 tháng chứ không phải uống, xịt thuốc một vài ngày thấy giảm thì ngưng.