Hơn 6 tháng bị phương Tây trừng phạt Nga vẫn đứng vững

(PLO)- Nền kinh tế Nga sau hơn sáu tháng bị phương Tây trừng phạt vẫn trụ vững, xem ra con bài cấm vận của phương Tây không mạnh như họ nghĩ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiến sự Nga - Ukraine đã kéo dài hơn sáu tháng qua với vô số cuộc giao tranh ác liệt, gây chết chóc và tàn phá nghiêm trọng dọc chiến tuyến hàng ngàn cây số. Không riêng chiến trường, cuộc xung đột kinh tế khốc liệt với quy mô chưa từng thấy kể từ những năm 1940 cũng đang ở giai đoạn cao trào, khi các nước phương Tây cố gắng làm tê liệt nền kinh tế 1.800 tỉ USD của Nga bằng hàng loạt “vũ khí” trừng phạt.

Theo tạp chí The Economist, hiệu quả của lệnh cấm vận là chìa khóa quyết định cục diện chiến trường Ukraine, đồng thời tiết lộ rất nhiều về năng lực của các nước phương Tây trong việc triển khai quyền lực trên toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề là đến nay cuộc chiến trừng phạt vẫn chưa diễn ra tốt đẹp như phương Tây mong đợi.

Đòn trừng phạt của phương Tây sẽ không thể gây áp lực lớn lên Nga và khiến điện Kremlin thay đổi chính sách với Ukraine, theo ông Alexander Gabuev, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Carnegie Moscow Center.

Phương Tây liên tục trừng phạt

Kể từ tháng 2, Mỹ, châu Âu và các đồng minh đã tung ra hàng loạt lệnh cấm chưa từng có đối với hàng ngàn công ty và cá nhân Nga. Một nửa trong số 580 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng và hầu hết các ngân hàng lớn của nước này bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Theo The Economist, Mỹ hiện không còn mua dầu của Nga nữa và lệnh cấm vận của châu Âu cũng sẽ có hiệu lực hoàn toàn vào tháng 2-2023. Các công ty Nga bị cấm mua nguyên vật liệu đầu vào, từ động cơ đến chip. Các nhà tài phiệt và quan chức Moscow phải đối mặt với các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Lực lượng đặc nhiệm “KleptoCapture” của Mỹ cũng đã bắt giữ một siêu du thuyền Nga.

Ngoài việc làm hài lòng dư luận phương Tây, các biện pháp này còn có các mục tiêu chiến lược. Mục tiêu ngắn hạn, ít nhất là ban đầu, là gây ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản và cán cân thanh toán ở Nga, khiến Moscow gặp khó trong việc tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine và từ đó làm thay đổi các động lực của điện Kremlin. Về lâu dài, mục đích là làm suy giảm năng lực sản xuất và trình độ tinh vi về công nghệ của Nga, nhằm giảm thiểu nguồn lực của Moscow. Mục đích cuối cùng là ngăn chặn những quốc gia có cùng tư tưởng với Nga.

Theo The Economist, đằng sau những mục tiêu đầy tham vọng như vậy là một học thuyết mới về quyền lực của phương Tây. Thời điểm đơn cực của những năm 1990 khi Mỹ nắm trong tay quyền lực tối cao đã qua từ lâu và kể từ sau các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, phương Tây giờ đây cũng không quá mặn mà với việc dùng vũ lực quân sự.

Các biện pháp trừng phạt là con bài mới cho phép phương Tây phát huy sức mạnh thông qua việc kiểm soát các mạng lưới tài chính và công nghệ, vốn là trung tâm của nền kinh tế thế kỷ 21. Trong 20 năm qua, phương Tây đã giáng đòn kinh tế để cô lập Iran, Venezuela, cũng như các công ty như Huawei (Trung Quốc). Tuy nhiên, lệnh cấm vận Nga dường như đưa các biện pháp trừng phạt lên một tầm cao mới, khi mục tiêu của nó giờ đây là làm tê liệt nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, một trong những nhà xuất khẩu trọng yếu về năng lượng, ngũ cốc và nhiều mặt hàng khác.

Phương Tây mong rằng trong khoảng 3-5 năm, đòn trừng phạt cô lập Nga sẽ tàn phá đáng kể nền kinh tế Moscow. Đến năm 2025, 1/5 số máy bay dân dụng nước này có thể sẽ ngưng hoạt động vì thiếu phụ tùng. Việc nâng cấp mạng lưới viễn thông sẽ bị gián đoạn và người tiêu dùng Nga sẽ không thể tiếp cận được các thương hiệu phương Tây.

Đòn khí đốt của phương Tây có nhiều lỗ hổng khiến chúng không thể tạo ra “đòn đo ván” đối với nền kinh tế Nga. Ảnh: REUTERS

Đòn khí đốt của phương Tây có nhiều lỗ hổng khiến chúng không thể tạo ra “đòn đo ván” đối với nền kinh tế Nga. Ảnh: REUTERS

Trừng phạt không tạo cú đo ván

Vấn đề mà phương Tây gặp phải hiện nay là đòn trừng phạt trên không thể tạo nên cú hạ đo ván. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 7, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Nga năm nay chỉ giảm 6%, thấp hơn nhiều so với mức giảm 15% mà nhiều bên dự đoán hồi tháng 3. Tỉ lệ này cũng thấp hơn sự sụt giảm nền kinh tế Venezuela sau khi bị trừng phạt.

Không dừng lại ở đó, theo The Economist, doanh thu bán năng lượng dự kiến tạo ra cho Nga 265 tỉ USD thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay, xếp thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Sau đợt điêu đứng ở giai đoạn đầu bị trừng phạt, hệ thống tài chính của Nga giờ đây đã ổn định và Moscow đang đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn cung hàng hóa nhập khẩu mới, trong đó có Trung Quốc.

Trong khi đó, châu Âu lại đang đau đầu vì cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng và đang trên bờ vực rơi vào một cuộc suy thoái lớn. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng thêm 20% hồi cuối tháng 8 do Nga siết chặt nguồn cung.

Nguyên nhân đầu tiên khiến các lệnh trừng phạt kém hiệu quả là do độ trễ thời gian. Việc ngăn chặn Nga tiếp cận công nghệ từ các công ty độc quyền của phương Tây phải mất nhiều năm mới có hiệu lực, trong khi đó Moscow được cho là “không phải dạng vừa” trong việc đối phó với tác động ban đầu của đòn trừng phạt do có thể tập trung nguồn lực.

Phản ứng ngược cũng là lỗ hổng khiến đòn trừng phạt không gây tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Moscow. Dù vượt trội Nga về GDP, song phương Tây dường như vẫn khó “cai” khí đốt Moscow. Ngày 2-9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) cần áp giá trần đối với khí đốt Nga để ngăn việc chính quyền Moscow thao túng năng lượng châu Âu. Trong phản ứng đưa ra cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo EU sẽ không có chút khí đốt nào từ Nga nếu áp giá trần mặt hàng này, theo hãng tin Reuters.

Lỗ hổng lớn nhất là hơn 100 quốc gia trên thế giới (chiếm 40% GDP toàn cầu) không “nối gót” phương Tây cấm vận Nga. Dầu Urals của Moscow đang chuyển dòng chảy sang châu Á, Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất thì đang rủng rỉnh tiền mặt của Nga, nhiều hãng hàng không vẫn nối đường bay đến Nga thậm chí lên đến bảy chuyến/ngày.

Các chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt đóng vai trò quan trọng nhưng phương Tây không nên lạm dụng. Theo các chuyên gia, để đối phó hiệu quả với Nga, phương Tây cần hành động trên nhiều mặt trận, kể cả quân sự. Nhìn chung, xung đột Nga - Ukraine đánh dấu kỷ nguyên mới của xung đột thế kỷ 21, trong đó các yếu tố quân sự, công nghệ và tài chính đan xen với nhau. Theo The Economist, đây không phải là thời đại mà phương Tây có thể cho rằng họ giữ thế thượng phong. Không ai có thể chống lại xung đột quân sự chỉ bằng USD và chất bán dẫn.•

Mục tiêu của ông Putin

Theo đài NPR, cuộc khủng hoảng năng lượng đặt ra thách thức đối với sự đoàn kết của châu Âu. Bộ trưởng Bộ Thương mại Cộng hòa Czech cho rằng EU hiện đang trong “cuộc chiến năng lượng với Nga” và khối này cần phải phối hợp hành động để ngăn chặn thiệt hại nhiều hơn.

Ông Pierre-Louis Brenac, chuyên gia tư vấn tại tổ chức tư vấn năng lượng SIA Partners có trụ sở ở Paris (Pháp), nhận định chia rẽ châu Âu là một trong những mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến này.

Tuy vậy, cho đến nay EU vẫn tỏ ra thống nhất trong việc đối phó với Moscow. Các bộ trưởng năng lượng và nguyên thủ các nước EU sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) vào ngày 9-9 để củng cố hơn nữa tình đoàn kết của khối thông qua các chính sách năng lượng và kế hoạch hành động chung. “EU giờ đây bắt đầu quay lại hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tương tự sáng kiến cộng đồng than thép châu Âu hồi những năm 1950” - tay bút kỳ cựu của NPR Eleanor Beardsley nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm