Hồn của phố – đừng lãng quên!

Ấy vậy, chuyện đặt, đổi tên đường, phố bấy lâu nay vẫn rối như mớ bòng bong, đường trùng tên, thiếu tên đặt cho đường, tên đường, phố thiếu bản sắc văn hóa vùng miền... Làm sao để cũng như phong thổ của mỗi vùng đất, tâm tính của mỗi con người, tên đường, phố mang trong mình những dấu tích văn hóa?

Người Đô Thị nêu một góc nhìn

Gọi tên, biết là Sài Gòn

Đến mỗi địa phương, đi trên những con đường mang đậm dấu tích văn hóa của vùng đất, con người nơi ấy, chắc chắn chúng ta thấy thú vị hơn rất nhiều khi gặp những tên đường mà ở đâu cũng có.

Trải qua 311 năm xây dựng và phát triển, Sài Gòn - TPHCM hiện có hơn 1.500 con đường lớn, nhỏ và từ lâu đã rối như canh hẹ bởi chuyện “đường trùng tên”, “thiếu tên đặt cho đường”. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có một điểm trọng yếu là chúng ta không mặn mà với những tên gọi gắn liền với lịch sử, văn hóa của vùng đất mình đang sinh sống.

Đường xưa lối cũ

Đường Mã Lộ nằm trên địa bàn phường Tân Định, quận 1, dài chừng 24m, lộ giới 1,4m, bắt đầu từ đường Nguyễn Hữu Cầu đến đường Bà Lê Chân. Đường này ngắn nhưng thuộc loại rất xưa, có từ khi xây cất chợ Tân Định, năm 1928. Thời Pháp thuộc, đường này mang tên Lê Văn Duyệt. Từ ngày 16-10-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Mã Lộ. Con đường này nằm phía sau chợ Tân Định. Ngày xưa chưa có các loại xe lam, xích lô, ba gác thì phương tiện chủ yếu để người ta đi lại và chuyên chở hàng hóa là xe ngựa. Những chiếc xe thổ mộ lóc cóc từ các vùng ngoại ô chở người và hàng về chợ bán mua. Sau khi đổ hàng, xuống khách, các xà ích cho xe ngựa tập trung ở một đoạn đường sau chợ cho ngựa nghỉ chân, ăn cỏ, uống nước, người tranh thủ chợp mắt hay túm năm tụm ba trò chuyện, chờ chợ tan lại đón hàng và người về. Lâu dần, đoạn đường này được gọi bằng cái tên thân thuộc: Mã Lộ (đường của ngựa).

Hồn của phố – đừng lãng quên! ảnh 1

“Đường phượng bay mù không lối vào” tại cầu Tràng Tiền Huế-Ảnh Nguyễn Tý

Ở quận 3 có một con đường mà khi gọi tên ta đã nghe giăng mắc ô thửa, đó là đường Bàn Cờ, chạy từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Điện Biên Phủ, thuộc địa bàn phường 2 và 3, dài khoảng 460m. Năm 1910, dưới thời Pháp thuộc, TP Sài Gòn được mở rộng về phía Tây. Khu đất phía trong đường Nguyễn Thiện Thuật được quy hoạch, xẻ ngang, vạch dọc như bàn cờ để phân cho dân chúng xây nhà. Thấy vậy, người ta liền gọi là khu Bàn Cờ. Con đường chính băng qua khu này mặc nhiên được gọi là đường Bàn Cờ.

Ở quận 4 có một đường mang tên nghề gắn liền với giấc ngủ của con người từ xưa đến nay: đường Xóm Chiếu. Con đường thuộc địa phận phường 15 và 16, dài 905m. Chả là, từ thời Gia Long, vùng này chỉ có thôn Khánh Hội và Bình Ý nằm gần kinh Bến Nghé và sông Sài Gòn. Phía trong toàn bưng sình, mọc đầy cây bàng và lác. Tận dụng nguồn nguyên liệu này, dân chúng quy tụ thành một xóm làm nghề dệt chiếu và lập chợ để bán. Từ đó, tên Xóm Chiếu ra đời.

Cũng thuộc ngạch đường mang tên nghề nghiệp của người dân sở tại, ở quận 5 có đường Xóm Cải, thuộc địa bàn phường 11, dài 125m, chạy từ đường Nguyễn Trãi đến đường Mạc Thiên Tích; Xóm Cải là địa danh của đất Chợ Lớn xưa kia, là nơi cư ngụ của những người chuyên nghề trồng rau cải để bán. Xóm Chỉ, thuộc địa bàn phường 10, từ đường Phan Phù Tiên đến đường Tản Đà, dài khoảng 118m; Xóm Chỉ cũng là địa danh của đất Chợ Lớn (cũ), xưa kia, dân vùng này chuyên làm nghề kéo chỉ. Xóm Vôi, địa danh cũ của đất Gia Định, nơi có người dân lập thành xóm chuyên chở đá xanh từ vùng Hà Tiên lên để nung vôi bán cho người ta xây dựng, ăn trầu.

Quận 6 có đường Lò Gốm, quận Tân Bình có đường Vườn Lài, dân sở tại trồng cây hoa lài (nhài) để ướp trà, quận 9 có đường Lò Lu, huyện Củ Chi có đường Xóm Thuốc (thuốc lá để hút)...

Ai có tâm hồn ăn uống, nhắc đến tên đường Vườn Thơm, thuộc xã Lê Minh Xuân và Bình Lợi, huyện Bình Chánh, chắc phải tứa nước miếng. Quả vậy, dưới thời Pháp thuộc, đây là một đồn điền bạt ngàn thơm (dứa).

Ở Chợ Lớn cũ có một vùng kênh rạch chằng chịt, ghe thuyền đi lại tấp nập. Dân trong vùng trồng rất nhiều cây sao để lấy gỗ đóng ghe, thuyền. Hằng năm, từ tháng 12 đến tháng 4, đến mùa cây sao ra bông, đậu quả, không biết cơ man nào mà kể. Mỗi cơn gió thoảng qua, bứt bông sao khỏi cành thổi bay lơ lửng trên không trung một hồi rồi mới rơi xuống rải đầy mặt đất, mặt nước, trông đẹp như tiên cảnh. Thế là người dân lấy tên Bông Sao để gọi con đường chạy qua vùng. Nay đường này thuộc phường 4, quận 8.

Chỉ về sự ấm no thì ở phường 15, quận 8 có đường Mễ Cốc, dài 2.350m, lộ giới 20m. Mễ Cốc nguyên là một kho lúa, sau thành địa danh. Nghe tên đường ta đã gợi nhớ đến vùng đồng bằng Nam Bộ, vựa lúa của miền Nam. Từ ngày một số người Hoa không phục nhà Thanh, qua đây xin chúa Nguyễn cho lập nghiệp ở vùng Chợ Lớn, lúa được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Rồi từ ngày người Pháp lập cảng Sài Gòn thì vùng này mỗi ngày có hàng trăm ghe, thuyền từ các tỉnh miền Tây đổ về Chợ Lớn, lúa được bốc lên các kho, vựa trên bến để rồi chuyển đến các nhà máy xay xát. Thế là bến mang tên Mễ Cốc (bến lúa gạo).

Để gợi nhớ thuở đất rộng người thưa, ta hãy về xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi tản bộ trên đường Mít Nài dài 1.500m. Mít nài là giống mít mọc hoang dại ở ven rừng, có trái na ná mít vườn nhưng không ăn được, gỗ chỉ dùng làm củi. Xã Phước Thạnh trước đây cả thế kỷ chỉ là rừng, mít nài mọc hoang vô kể. Cũng trên địa bàn huyện Củ Chi, có những tên đường mà khi gọi lên ta đã thấy thiên nhiên gần gụi: Cây Bài (xã Phước Vĩnh An), Cây Điệp (xã Nhuận Đức), Cây Gõ (xã An Phú), Cây Trắc (xã Phú Hòa Đông), Cây Trôm (xã Phước Hiệp, Thái Mỹ).

Ai yêu chim muông, mời về xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đi trên con đường dài khoảng 6.000m thỏa thê nghe tiếng le le lội nước và ngắm cánh cò bay lả bay la. Đường tên là Láng Le - Bàu Cò mà! Đây là một vùng đất sũng nước, nơi cư ngụ của cơ man nào là le le và cò. Đường Hố Bò ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi thì nhắc ta rằng thời xa xưa, vùng này sâu trũng, cây cối rậm rạp, là nơi nương náu của rất nhiều loài bò rừng.

Để trí tưởng tượng bay xa hơn nữa, mời bạn đến đường Gò Cẩm Đệm ở phường 10, quận Tân Bình. Sở dĩ con đường dài 840m, lộ giới 12m này mang tên vậy là do nơi đây xưa kia là một gò đất cao rộng 3 dặm, nằm phía sau Giác Lâm cổ tự, thuộc địa phận xã Phú Thọ Hòa. Khi xưa trên gò, cỏ thơm mọc dày như trải đệm, cây cao bóng mát tỏa như lọng che nên dân chúng gọi tên là gò Cẩm Đệm rồi thành địa danh, từ ngày 13-7-1999 thì là tên đường.

Đất Sài Gòn - Gia Định rộng lớn, người hào sảng mà tâm hồn mơ mộng nên cũng luôn là đất văn chương thi phú. Điều ấy ghi dấu ở tên đường Bình Dương Thi Xã, P.5, Q.1 mang tên một hội thơ nổi tiếng và bề thế nhất tại huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định hồi đầu thế kỷ XIX. Nổi danh nhất của thi xã này là 3 danh sĩ: Trịnh Hoài Đức (chủ hội), Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh mà đương thời gọi là Gia Định Tam gia...

Quyến rũ chừng... 10%

Tôi ngồi tỉ mẩn đếm đếm tính tính theo các tài liệu về tên đường ở TPHCM, quỹ tên đường của Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng TPHCM thì thấy một con số đáng báo động: những tên đường độc đáo, thân thuộc, gọi là biết ngay Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định như kể trên chỉ chiếm chừng 10%.

Trong khi đó, xưa nay, chúng ta quá say sưa với những tên nhân vật lịch sử. Tất nhiên, việc tôn vinh công đức của tiền nhân là điều cần thiết, nhưng cũng đừng hồn nhiên nghĩ rằng cứ đặt tên một con đường, xây dựng một tượng đài thì chắc chắn sẽ làm được việc giáo dục truyền thống.

Đến mỗi địa phương, đi trên những con đường mang đậm dấu tích văn hóa của vùng đất, con người nơi ấy, chắc chắn chúng ta thấy thú vị hơn rất nhiều khi gặp những tên đường mà ở đâu cũng có.

Chẳng hạn, ở Sài Gòn, 146 năm trước, me là cây đầu tiên được người Pháp mang trồng ở hai bên đường. Đến Sài Gòn mà được tản bộ trên con đường mang tên Lá Me Bay và giơ tay bắt những lá me chao trong gió, nếm vị giôn giốt của trái me thì thật là ấn tượng đặc biệt. Ai biết ở TPHCM, từ giữa tháng 5, trái dầu rái bứt khỏi cành, tạo thành những chiếc chong chóng xoay tít khắp phố phường để mơ về một con đường mang tên Dầu Rái?

Cũng vậy, nếu chúng ta cởi mở và lãng mạn hơn, trên những nẻo đường đất Việt sẽ có những tên đường, phố độc đáo, gắn với những sản vật của địa phương như: đường Hoa Ban ở Điện Biên, phố Hoàng Lan ở Hà Nội, đường Phượng Bay (từ cảm hứng trong những chiều đi trên đường này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “Đường phượng bay mù không lối vào” (Mưa hồng) ở Huế... là một nét thi vị và luyến nhớ cho cả dân địa phương và du khách.

Đồng cảm với chúng tôi về vấn đề này, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chia sẻ: “Theo tôi, nên lưu giữ những địa danh dân gian để đặt tên đường phố hay tên đơn vị hành chính mới trong quá trình đô thị hóa. Dân gian hay đặt tên cho một khu vực nào đó theo đặc điểm về tự nhiên hay truyền thuyết của khu vực ấy, hoặc cũng hay gọi một cách “không chính thức” nhưng lại dễ nhớ, dễ tìm. Những giá trị văn hóa vật thể như thế qua thời gian sẽ lắng đọng, trở thành những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của từng địa phương”.

Cũng theo bà, trong các khu đô thị mới hiện nay, cần khuyến khích người dân trồng các loại cây, hoa làm đẹp, mang lại bóng mát cũng như mảng xanh cho thành phố. Và cũng rất hay nếu như đặt tên đường, khu phố mới theo tên các loài thực vật đó.

Theo ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG (Người Đô thị) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm