Gần 20 năm sau bộ phim của ông Thủy, có một nhà báo khi đi thực tế tìm hiểu vẫn cho hay rằng, đa số người dân không hiểu biết gì về con người được đặt tên cho phố cho đường nơi mình cư trú. Buồn thay!
Một nhà văn nào đó từng nói tình yêu quê hương, đất nước bắt đầu bằng tình yêu cụ thể ngay từ nơi mình sinh sống. Trách người dân vô tình, hờ hững khi không biết người được đặt tên cho con phố mình đang sống là ai ư? Có thể. Nhưng giữa cuộc mưu sinh tất bật trăm bề, chuyện một con phố mang tên ai, người ấy làm gì, thành tích ra sao, có khi chưa phải là chuyện cần kíp, sống còn với người dân. Vậy thì sao chính quyền không giúp dân thêm một bước nữa sau khi chọn tên người đặt tên phố. Giá như bây giờ trên các bảng tên đường phố mang tên người, ta thêm vào bên họ tên mỗi vị có năm sinh năm mất và một dòng đề nghề nghiệp của họ. Thí dụ: Lý Thường Kiệt, 1019 - 1105, tướng quân; Nguyễn Du, 1765 - 1820, nhà thơ; Trần Phú, 1904 - 1931, nhà chính trị; Vũ Trọng Phụng, 1912 - 1939, nhà văn v.v...
Xin đừng nghĩ đây là vẽ việc, hay những người nổi tiếng thì ai cũng biết rồi. Thứ nhất, những chỉ dẫn ngắn gọn đó là thông tin tối thiểu và bước đầu, ai vô tâm nhất cũng không thể quên vì hằng ngày đi qua tấm biển tên phố đập vào mắt nhìn, còn ai muốn tìm hiểu thêm thì đã có một sự dẫn dắt, gợi mở.
Thứ hai, nhiều tên phố mang tên các nhân vật ở địa phương đó, thêm mấy chữ vào là một cách giới thiệu “nhân vật chí” của quê hương mình. Thứ ba, du khách nước ngoài đến Việt Nam, dù biết tiếng Việt hay không, họ đọc tên phố mang tên người với những thông tin tóm tắt như vậy, bước đầu đã có thể biết sơ lược về văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay.
Tại thị xã Hà Tĩnh, từ nhỏ tôi đã biết có một khu phố Lê Bình, nhưng Lê Bình là ai, tôi chẳng biết. Bẵng đi mấy chục năm xa quê, một tên phố ấy ngỡ đã quên chợt lại hiện về khi tôi đọc trên một tờ báo có bài viết “Anh hùng Lê Bình và đội cảm tử lừng lẫy đất Tây Đô”. Tôi thấy mình có lỗi với một người đi trước ở quê mình. Nhưng đoạn kết bài báo có một chi tiết khiến tôi băn khoăn: “Tại thị xã Hà Tĩnh, tên của anh hùng liệt sĩ Lê Bình được đặt thay con đường Nguyễn Công Trứ”. Sao lại lấy người nay thay người xưa như vậy, khi cả hai người đều xứng đáng làm đẹp cho những con đường ngày ngày nâng bước ta đi?
Tôi đem chuyện bổ sung yếu tố vào bảng tên phố mang tên người trò chuyện với mấy người bạn. Họ bảo, như phố Lãn Ông sẽ đề thế nào, lại còn là Trần Hưng Đạo hay Trần Quốc Tuấn, Lý Thái Tổ hay Lý Công Uẩn, nghĩa là tên phố theo tên người thật hay theo tên hiệu tước hiệu. Phiền phức, tốn kém lắm, trong khi còn bao việc quốc kế dân sinh khác...
Không phải ý kiến của mấy người bạn tôi không có căn cứ nhưng tôi thiết nghĩ: Có tiền không chắc đã có văn hóa, nhưng có văn hóa sẽ có tiền... Vả lại, việc “gia công” thêm chút văn hóa cho việc ghi bảng tên cho đường tại sao lại không phải là chuyện cần kíp?
Theo PHẠM XUÂN NGUYÊN (Người Đô thị)