Hồn của Tết...

(PLO)- Tết cổ truyền còn ý nghĩa trong lòng mọi người là hồn của tết vẫn còn... 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng năm cứ vào buổi sáng ngày cuối của năm âm lịch, tôi lại lật đật chạy ra trước đình Tân Lân (nơi thờ Trấn Biên đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên tại Biên Hòa) xem các chú các bác dựng nêu đón tết.

Nay tôi đã lớn - già nhưng vẫn muốn duy trì cho bằng được thói quen đó dù "nhà bao việc". Vì một điều rằng, việc dựng nêu không chỉ đánh dấu Tết đã bắt đầu, đó còn là một phần của rất nhiều hoạt động truyền thống đầy ý nghĩa của Tết Nguyên đán.

Dựng nêu tại Đình Tân Lân ngày 30 tháng Chạp

Dựng nêu tại Đình Tân Lân ngày 30 tháng Chạp

Theo truyền thống trong dân gian, ngày 23 tháng Chạp, khắp nơi thường dựng cây nêu để bắt đầu cho những hoạt động Tết truyền thống của dân tộc. Việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều không hay của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành. Cây nêu được dựng lên chính là chỉ báo ngày Tết chính thức bắt đầu.

Tại đình Tân Lân, việc dựng nêu được diễn ra vào sáng 30 tháng Chạp thay vì ngày 23 như nhiều nơi khác. Cây nêu được dựng lên sau khi các nghi lễ đón rước ông bà tổ tiên được diễn ra trong đình vào đầu ngày.

Theo các cụ trong ban Quý tế của đình, sau khi đã đón rước ông bà về thì con cháu mới dựng nêu để tổ tiên cùng cháu con bắt đầu vui xuân đón Tết.

Hằng năm, lịch cúng tế của đình dành ngày 25 tháng Chạp để làm Lễ sắp ấn xin ông bà tổ tiên cho phép lau dọn và trang hoàng không gian thờ tự.

Hồn của Tết... ảnh 4

Lịch cúng vía cầu an hàng năm tại đình Tân Lân

Sáng 30 tháng Chạp, Lễ rước ông bà được diễn ra trang trọng để mời ông bà “về nhà” đón Tết cùng con cháu. Trong những ngày Tết nhiều hoạt động văn hóa tâm linh có ý nghĩa được tổ chức tại đình nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng và giữ gìn những nếp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhiều người dân Biên Hòa, Đình Tân Lân – là nơi để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai – Gia Định. Trong dịp năm mới, người dân Biên Hòa thường dành những thời khắc đầu năm để đến lễ bái và cầu mong bình an cho năm mới.

Tết với tôi không chỉ là những ngày nghỉ dài mà còn là khoảng thời gian nối kết quá khứ - hiện tại - tương lai. Mong Tết mãi luôn đẹp với những giá trị truyền thống dân tộc vốn đã được xây dựng và gìn giữ từ ngàn đời nay.

Trần Thượng Xuyên (1655–1720), quê quán tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nguyên là tổng binh nhà Minh. Vì không quy phục triều đình Mãn Thanh nên ông cùng đoàn tùy tùng, tướng tá giông thuyền vượt biển Đông sang Đàng Trong (Việt Nam) xin tị nạn và lập nghiệp.
Tương truyền, nguyên thủy đình Tân Lân là ngôi miếu nhỏ ở Thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai – Gia Định. Sau hai lần dời chuyển (1861 – 1906) ngôi đình ở vị trí như hiện nay.
Đình Tân Lân được công nhận là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia

Đình Tân Lân được công nhận là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia

Ghi nhớ công lao của Trần Thượng xuyên, nhà Nguyễn ban phong nhiều danh hiệu cao quý “Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”, liệt vào bậc “Thượng đẳng thần”.

Để tỏ lòng ngưỡng mộ và đền đáp công ơn người đã có công tổ chức khai phá, mở mang vùng đất Đồng Nai - Gia Định, nhân dân ở những nơi này gọi Trần Thượng Xuyên là "Đức Ông".

Đình Tân Lân (Xóm Mới) ở Biên Hòa, nơi thờ chính tướng Trần Thượng Xuyên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 457/QĐ, ngày 25 tháng 3 năm 1991.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm