Hôn nhân gãy gánh vì… đường tiết niệu

Cô vợ ở miền Tây, sinh được một người con, mỗi lần quan hệ với chồng gắng sức là bị tiểu són không kiểm soát, gây mất vệ sinh. Tuy nhiên, người vợ không chia sẻ và dần ngại gần gũi với chồng.

Không phải tại anh, chẳng phải tại em

“Người vợ nghĩ đây là do lỗi của mình và chủ động chia tay, sau đó tuyệt nhiên không nghĩ đến chuyện đi bước nữa vì lý do khó nói”, câu chuyện do ThS-BS Phạm Hữu Đoàn, Trưởng Đơn vị niệu nữ, BV Bình Dân (TP.HCM), chia sẻ nhận được nhiều sự lắng nghe, chia sẻ từ người tham gia buổi trò chuyện chủ đề “Các rối loạn niệu dục ở phụ nữ” tổ chức ngày 22-7.

BS Đoàn kể tiếp do thương em dâu, người chị chồng cùng kinh doanh đã đưa cô em dâu đến BV chữa trị. Tại BV, chị được chẩn đoán bị chứng bàng quang tăng hoạt khiến tiểu không kiểm soát, một hội chứng thường gặp ở phụ nữ sau sinh con có thể do quá trình sinh con gây tổn thương cơ giữ nước tiểu, làm giảm khả năng giữ nước tiểu. Chị được hướng dẫn tập cơ sàn chậu và cải thiện hiệu quả.

Nghe vợ cũ đi BV trị bệnh, người chồng tìm đến BV và chia sẻ vợ cũ chủ động ly hôn chứ không phải từ phía anh và mong bác sĩ cho biết “lỗi” do ai. “Vì lý do bảo mật bệnh án, chúng tôi không thể tiết lộ với người chồng nên anh thui thủi về. Tuy nhiên, vài tháng sau, chúng tôi rất vui mừng khi hai vợ chồng cùng vui vẻ dắt tay nhau đến BV tái khám và tôi được biết hai người đã hàn gắn lại mối quan hệ” - BS Đoàn chia sẻ.

 “Em cái gì cũng giỏi, chỉ một chuyện em không giỏi”, chị vợ tuổi trung niên chảy nước mắt khi nhắc đến mối hôn nhân bên bờ vực đổ vỡ với bác sĩ. Chuyện là chị rất đẹp, tài giỏi trong kinh doanh, tuy nhiên mỗi lần chồng chạm vào vùng kín, chị lại có cảm giác như bị bỏng, đau xé khiến cuộc yêu kết thúc chóng vánh. Tuy nhiên, chị không ngờ nguyên nhân là do dùng thuốc ngừa thai không phù hợp dẫn đến đau vùng tiền đình âm hộ. Sau hai tháng thay đổi thuốc, mối quan hệ vợ chồng đã bớt căng thẳng và ấm áp trở lại.

Không may mắn tìm được hướng điều trị như các cặp vợ chồng trên, một phụ nữ (40 tuổi) bị dính âm hộ tìm đến phòng khám sau khi hôn nhân đã đổ vỡ. Chị chia sẻ mỗi lần quan hệ đều bị chảy máu và tình trạng này kéo dài cho đến khi vùng kín bít hẳn, không tiểu được chị mới đi khám. Chỉ bằng tiểu phẫu đơn giản, vùng kín chị đã có thể trở về bình thường.

Bác sĩ phòng khám Đơn vị niệu nữ BV Bình Dân tư vấn cho người bệnh rối loạn tiết niệu, sinh dục. Ảnh: HL

35%-40% phụ nữ bị rối loạn tình dục

ThS-BS Phạm Hữu Đoàn cho hay mỗi ngày Đơn vị niệu nữ, BV Bình Dân tiếp nhận 40 phụ nữ đến khám các bệnh lý rối loạn tiết niệu, sinh dục tại đơn vị. Tuy nhiên, con số này là rất ít so với thực tế. Theo một thống kê, có 35% phụ nữ châu Á bị chứng bàng quang tăng hoạt, còn trên thế giới tỉ lệ nữ bị rối loạn tình dục từ 35% đến 40%, cao hơn tỉ lệ ở nam là 30%-35%. Các nguyên nhân gây rối loạn niệu dục ở phụ nữ có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc, luyện tập với máy tập sàn chậu, phẫu thuật và liệu pháp tâm lý...

Qua các câu chuyện kể trên, BS Đoàn nhìn nhận có những nguyên nhân rất dễ can thiệp nhưng nhiều phụ nữ âm thầm chịu đựng, dẫn đến bệnh tiến triển mạn tính, gây tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí né tránh và sợ hãi việc gần gũi với bạn đời khiến mối quan hệ ngày càng trầm trọng, thậm chí đổ vỡ.

Do đó, nếu cảm thấy không thoải mái trong sinh hoạt vợ chồng khi gặp những vấn đề niệu nữ như tiểu són, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, đau khi giao hợp, không đạt khoái cảm... thì cần thẳng thắn chia sẻ với người bạn đời và tìm đến cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, điều trị, đừng âm thầm chịu đựng một mình. Có những bệnh lý rất dễ điều trị chứ không khó như lầm tưởng.

Ngộ nhận rối loạn niệu dục không phải là bệnh

Ở Việt Nam, phần lớn phụ nữ ngại tìm kiếm phương pháp điều trị cho mình bởi do tâm lý ngại ngùng; ngộ nhận các rối loạn đường tiết niệu không phải là bệnh lý và không thể điều trị. Phụ nữ Việt Nam chăm lo hạnh phúc gia đình nhưng hãy nghĩ chăm lo sức khỏe tiết niệu, sinh dục của bản thân mới là cách bảo vệ hạnh phúc gia đình đúng đắn.

Mọi phụ nữ đều có thể đạt được cuộc sống tình dục viên mãn

Phụ nữ dù ở độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, sau khi sinh hoặc đang mang thai, bệnh tim, bệnh tiểu đường... đều có thể đạt được cuộc sống tình dục bình thường, viên mãn nếu có những lựa chọn và giải pháp phù hợp.

ThS-BSPHẠM HỮU ĐOÀN,
Trưởng Đơn vị niệu nữ BV Bình Dân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm