Ngày 24-10, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp sơ kết hai năm việc thực hiện các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên địa bàn.
Theo lịch làm việc của UBND TP, báo chí được tham dự đưa tin về cuộc họp này. Tuy nhiên, khi các PV đến thì được mời ra ngoài do “còn nhiều vấn đề phải bàn nội bộ”. Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị các PV chờ hai tiếng và hứa sẽ họp báo cung cấp thông tin ngay sau cuộc họp này.
Đúng hẹn, buổi họp báo được tổ chức lúc 10 giờ sáng cùng ngày, do ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở KH&ĐT chủ trì. Tuy nhiên, cuộc họp chỉ kéo dài vỏn vẹn… năm phút và vị giám đốc sở này chỉ nói sơ về một số thông tin chung. Hầu hết câu hỏi của PV các báo tại cuộc họp (như quá trình thực hiện các dự án BT, BOT ở TP.HCM thời gian qua thế nào; những tồn tại, bài học kinh nghiệm rút ra; tính minh bạch khi thực hiện các dự án…) đều không được trả lời. Ông Sử Ngọc Anh cũng từ chối bình luận các vấn đề liên quan đến các dự án BT, BOT mà dư luận đang quan tâm.
Cầu Sài Gòn 2 là một trong nhiều dự án ở TP.HCM từ BOT, BT. Ảnh: HTD
Cụ thể, ông Sử Ngọc Anh cho biết: Theo thống kê trước năm 2015, TP.HCM có khoảng 18 dự án đầu tư đối ứng với số vốn trên 59.000 tỉ đồng với nhiều hình thức. TP.HCM đã thực hiện nhiều dự án lớn về phát triển cơ sở hạ tầng từ BOT, BT như cầu Phú Mỹ, đại lộ Phạm Văn Đồng, cầu Sài Gòn 2… Hiện tại có hơn 130 nhà đầu tư (NĐT) kiến nghị đầu tư vào các dự án ở TP với số vốn trên 380.000 tỉ đồng.
“Hiện có những NĐT tư nhân muốn chia sẻ những khó khăn về hạ tầng, xử lý môi trường, y tế, giáo dục…, giúp TP phát triển. TP đánh giá cao việc các NĐT tư nhân chia sẻ lợi ích chung để phát triển hạ tầng và sẽ phát huy trong thời gian tới bởi Nhà nước không có đủ nguồn lực” - ông Sử Ngọc Anh nói.
Phải chặn kiểu làm BOT “tay không bắt giặc” Chủ trương BOT là rất đúng vì đây chính là huy động nguồn lực của xã hội để làm hạ tầng. Quan trọng là chúng ta phải ngăn chặn tình trạng lợi dụng chủ trương này để làm không đúng mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là tay không bắt giặc. Anh phải làm BOT bằng thực sự nguồn vốn của anh. Ông TRẦN QUỐC VƯỢNG, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế-xã hội và ngân sách của Quốc hội vào sáng 24-10 |
Cũng theo ông Anh, hiện nay Chính phủ đã đúc kết quá trình thực hiện bằng Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, mở rộng ra thành bảy hình thức là BOT, BT, BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), O&M (kinh doanh - quản lý). Như vậy, chúng ta có nhiều hình thức để lựa chọn cho phù hợp. Hiện tại TP xác định hình thức BT, BOT là một xu hướng đáng khuyến khích và cần thiết. Thời gian tới TP sẽ ban hành các quy định riêng, cụ thể hóa ra sáu bước theo Nghị định 15 và đặc biệt nêu rõ vai trò trách nhiệm của từng bộ phận như đề xuất, thẩm định, theo dõi ký hợp đồng… Từ đó phân định rõ trách nhiệm để có quy trình rõ ràng và minh bạch.
Sau khi phát biểu, giám đốc Sở KH&ĐT tuyên bố kết thúc họp báo. Ông Anh cũng từ chối cung cấp tài liệu báo cáo sơ kết hai năm thực hiện các dự án BT và BOT ở TP. “Tôi không có báo cáo, chỉ báo cáo miệng” - ông nói.
Các dự án BOT, BT điển hình ở TP.HCM 1. Dự án BOT xây dựng cầu Phú Mỹ Đến nay đây là cầu dây văng lớn nhất TP.HCM, bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 7. Công trình có tổng mức đầu tư 2.077 tỉ đồng, có thời gian thu phí hoàn vốn 26 năm, được khởi công xây dựng vào tháng 12-2005; bắt đầu thu phí hoàn vốn từ tháng 4-2010. 2. Dự án BT xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ Dự án có tổng mức đầu tư 1.440 tỉ đồng, do NĐT bỏ vốn làm trước, ngân sách TP trả sau (BT tiền). Thời gian xây dựng 11 km đường giao thông cấp II là từ tháng 3-2008 đến tháng 7-2014. 3. Dự án mở rộng 19 km xa lộ Hà Nội Dự án được thực hiện vào năm 2008 theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu 2.422 tỉ đồng. Theo kế hoạch, NĐT sẽ phải hoàn thành vào tháng 4-2013, nhưng do chậm giải phóng mặt bằng nên phải điều chỉnh vốn đầu tư lên 3.822 tỉ đồng và đến nay vẫn đang tiếp tục thi công. Trong quá trình mở rộng xa lộ Hà Nội, đơn vị thi công bỏ tiền (BT tiền) ứng cho TP làm các công trình cầu Rạch Chiếc mới, cầu Sài Gòn 2, nút giao ĐH Quốc gia… Các công trình BOT, BT sẽ làm 1. Tuyến đường trên cao số 1: Theo kế hoạch đầu tư từ nay đến năm 2020 với vốn đầu tư khoảng 21.000 tỉ đồng. Tuyến đường bắt đầu từ khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ, đi trên đường Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long… để tiếp đất ở cầu Phú An, gần đường Nguyễn Hữu Cảnh. Phương thức đầu tư BOT. 2. Dự án cầu Thủ Thiêm 4 Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng chiều dài 2.160 m. Cầu chính (từ bờ quận 7 qua phía quận 2) gồm sáu làn xe. Tổng mức đầu tư trên 5.200 tỉ đồng. Theo nhiều nguồn tin, để xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức hợp đồng BT thì TP sẽ đổi 16 khu đất, trong đó có 11 lô đất thuộc khu chức năng số 3 và số 4 nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích gần 100.000 m2 với giá trị quyền sử dụng đất khoảng 3.201 tỉ đồng. Số tiền trên dùng để thanh toán cho chi phí xây lắp và thiết bị của cầu. Các lô đất còn lại nằm rải rác ở quận 1 và quận 3 với tổng diện tích gần 13.000 m2 sẽ được dùng chủ yếu để thanh toán kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng phía quận 7… LƯU ĐỨC |