Không chỉ nóng ở phiên thảo luận tình hình kinh tế-xã hội trong ngày cuối cùng của kỳ họp thứ nhất (Quốc hội (QH) khóa XIV), sự cố môi trường do Formosa gây ra và người được cho là có liên quan trách nhiệm trong vụ việc này - nguyên Bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự, tiếp tục là chủ đề nóng tại cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc phiên bế mạc chiều 29-7.
Formosa thuê đất 70 năm là không đúng thẩm quyền
. Phóng viên: Trách nhiệm của ông Cự trong việc cấp phép 70 năm cho Formosa như thế nào? Vì sao ông Võ Kim Cự vẫn được tham gia Ủy ban Kinh tế của QH?
+ Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc: Theo Điều 30 Luật Tổ chức QH, ĐBQH có quyền đăng ký tham gia các ủy ban của QH và đảm bảo những tiêu chuẩn chuyên môn. Ông Cự vừa là đại biểu (ĐB) QH, vừa có bằng cử nhân kinh tế và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh nên việc ông Cự tham gia Ủy ban Kinh tế của QH là phù hợp với quy định.
Còn trách nhiệm của ông Cự trong việc cho Formosa thuê đất 70 năm khi còn làm lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là không đúng thẩm quyền của địa phương, ông Cự cũng nhận Hà Tĩnh sai và UBND Hà Tĩnh đã có báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Chính phủ sau đó đã giao Bộ KH&ĐT vào cuộc xem xét, xác định có đủ điều kiện cho thuê đất 70 năm hay không. Sau đó Bộ KH&ĐT cùng nhiều bộ, ngành khác vào cuộc. Kết quả cho thấy Formosa không đủ điều kiện để thuê đất trong thời gian 70 năm.
. Có ý kiến cho rằng nên xem xét tư cách ĐBQH của ông Cự?
+ Hiện tại vấn đề này chưa được đặt ra. Sau này, nếu các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét trách nhiệm của tập thể, của cá nhân thì lúc đó mới xem xét được.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 29-7. Ảnh: QH
Vì sao chỉ giao cho một ủy ban giám sát Formosa
. Thay vì đưa vào chương trình hoạt động giám sát tối cao của QH năm 2017, QH chỉ giao cho một ủy ban giám sát Formosa (Ủy ban KHCN&MT) có phải là coi nhẹ vấn đề này không?
+ Phó Chủ tịch Văn phòng QH Đỗ Mạnh Hùng: QH rất quan tâm đến vấn đề môi trường. Vấn đề môi trường biển duyên hải miền Trung, QH đã giao cho Ủy ban KHCN&MT trực tiếp vào giám sát. Đây không phải là xem nhẹ vấn đề môi trường ở miền Trung mà vì giám sát QH có năm cấp độ. Cụ thể là giám sát tối cao của QH, giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH, giám sát của Đoàn ĐBQH và giám sát của ĐBQH.
Mỗi cấp độ giám sát tạo thành tổng thể giám sát QH và có hiệu lực pháp lý. Trên cơ sở kết quả giám sát của Ủy ban KHCN&MT, QH sẽ có những chủ trương và quyết định tiếp theo.
. Nếu phải giám sát vấn đề kinh tế ở Formosa thì kết quả giám sát liệu có khách quan không khi ông Cự là thành viên Ủy ban Kinh tế của QH?
+ Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Nếu có vấn đề giám sát Formosa về kinh tế thì chắc chắn ông Cự sẽ không tham gia đoàn giám sát để đảm bảo tính khách quan.
. Việc giám sát Formosa có truy trách nhiệm cá nhân không? Có đảm bảo khách quan không khi cá nhân liên quan đang là ĐBQH?
+ Ông Đỗ Mạnh Hùng: Như tôi đã nói, các ủy ban của QH đều là cơ quan chuyên môn của QH có đầy đủ các chức năng thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng trong kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước… Trên cơ sở giám sát của Ủy ban KHCN&MT, QH sẽ xem xét và đưa ra những quyết định cụ thể. Giám sát của QH rất cần sự tham gia của báo chí và cử tri. Đợt giám sát tới, tôi mong có sự phối hợp của báo chí.
Việc sửa đổi BLHS 2015 sẽ đưa vào kỳ họp thứ 2 (QH khóa XIV) Trả lời báo chí về việc QH “đưa vào, rút ra” Luật Biểu tình ở nhiều kỳ họp vừa qua, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc: “Nghị quyết của kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV đã ghi rất rõ: Xem xét khi đủ điều kiện thì sẽ đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, kiên quyết loại bỏ những luật không đạt chất lượng. Tôi lấy ví dụ, trước khi xem xét Luật Biểu tình, thì phải có Luật Phòng, chống cháy nổ”. Về ý kiến tại sao chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2017, bổ sung chương trình này 2016, không đưa việc sửa đổi BLHS 2015 vào, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: Việc sửa đổi BLSH 2015 sẽ được đưa vào kỳ họp thứ hai QH khóa XIV (dự kiến diễn ra vào tháng 10-2016). Về ý kiến tại sao Chính phủ chưa báo cáo rõ về vụ tai nạn máy bay Su30MK2 và CASA 212, ông Phúc cho hay: Chính phủ đã có báo cáo. Tuy nhiên, hiện nay hộp đen đang được gửi đi xem xét nên chưa thể báo cáo chi tiết hơn. Khi có kết quả từ hộp đen, chắc chắn nguyên nhân hai vụ tai nạn sẽ được công bố. ____________________________________ Quyền được sống trong môi trường trong lành của dân đang bị xâm hại Sự cố môi trường Vũng Áng làm khốn khổ người dân bốn tỉnh miền Trung. Hệ lụy của nó chưa thể chấm dứt, mặc dù người gây ra là Formosa đã nhận lỗi và bồi thường. Người dân bốn tỉnh miền Trung vẫn chờ câu trả lời cho câu hỏi: Bao giờ biển lại trong lành như xưa? Liệu các sự cố có còn tiếp diễn nữa hay không? Nếu những câu hỏi đó không có cơ sở để khẳng định thì cần xem lại sự tồn tại của dự án này. Các hiện tượng xả thải gây ô nhiễm sông, suối xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước đang dần đưa các sông, suối thành các dòng sông chết. Quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân được Hiến pháp ghi nhận đang bị xâm hại. ĐBQH TÔ VĂN TÁM (Kon Tum) |