Vừa qua, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đã chủ trì buổi làm việc cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án), VietinBank (ngân hàng đầu mối cấp tín dụng) nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc giải ngân nguồn vốn tín dụng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đại diện phía Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, vướng mắc hiện nay là nguồn vốn tín dụng 6.686 tỉ đồng (chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư của dự án) dù đã được các bên ký kết từ ngày 16-12-2019 nhưng sau gần 3 tháng vẫn chưa được giải ngân. Đến nay chỉ còn 10 ngày nữa nếu vốn tín dụng không được giải ngân thì hợp đồng tín dụng sẽ tự động vô hiệu.
Lý do của sự chậm trễ này là bởi các vướng mắc kéo dài giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang và các ngân hàng cấp tín dụng chưa được giải quyết một cách triệt để, UBND tỉnh Tiền Giang chưa làm rõ thẩm quyền ký kết các văn bản liên quan đến dự án mà ngân hàng cấp tín dụng yêu cầu.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, hai điều kiện giải ngân cuối cùng mà ngân hàng đầu mối là VietinBank gửi công văn đến UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu làm rõ đã được UBND tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng, đồng thời một số bộ,ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ GTVT cũng đã cho ý kiến.
Dự án khó hoàn thành tiến độ khi chưa có vốn tín dụng.
Cụ thể, thứ nhất, UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định văn bản cam kết lộ trình tăng giá vé do phó chủ tịch tỉnh Tiền Giang thay mặt UBND tỉnh ký là phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, ngày 30-1-2020, ngân hàng có công văn đề nghị UBND tỉnh với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp, các cổ đông được thế chấp cổ phần cho các tổ chức tín dụng, đây là các yêu cầu chưa từng có tiền lệ, pháp luật không quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền làm như vậy.
“Tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực hết mình trong khả năng và nếu vấn đề không được các bên đồng ý thì UBND tỉnh Tiền Giang chỉ còn cách tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ” - ông Dũng khẳng định.
Theo ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, việc thu xếp vốn tín dụng ngay từ đầu đã hết sức khó khăn, doanh nghiệp dự án phải mất hơn 6 tháng để đàm phán và ký kết hợp đồng tín dụng, mất gần 3 tháng để tháo gỡ hơn 17 điều kiện giải ngân tiên quyết quy định tại hợp đồng tín dụng. Theo các điều khoản trong hợp đồng cho vay tín dụng, đến 16-3-2020 nếu vốn tín dụng không giải ngân được thì hợp đồng sẽ tự động vô hiệu.
Công nhân lao động trên công trình đường cao tốc.
“Đến ngày 16- 3 tới, nếu phía ngân hàng vẫn không giải ngân mà vẫn tiếp tục đưa ra các lý do không rõ ràng, phía UBND Tỉnh Tiền Giang không tháo gỡ được mặt thủ tục pháp lý thì chúng tôi chỉ còn cách xin giãn tiến độ hoàn thành dự án thông toàn tuyến vào cuối năm 2020 và khánh thành trong năm 2021 như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ” - ông Thế nói.
Theo doanh nghiệp dự án, tính từ thời điểm đầu tháng 3-2019 đến nay, doanh nghiệp dự án đã thực hiện được 34% tổng khối lượng công trình, tăng gấp 3 lần so với thời gian 10 năm, trước khi Tập đoàn Đèo cả tham gia quản trị, điều hành dự án.
Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư là 12.668 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án 2.186 tỉ đồng (đã được giải ngân), vốn tín dụng 6.686 tỉ đồng (chiếm hơn 50% tổng vốn), còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư.
Trước đó, ngày 16-12-2019, tại Tiền Giang đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 6.686 tỉ đồng (chiếm hơn 50% tổng vốn). Trong đó, VietinBank là 3.300 tỉ đồng, BIDV 1.500 tỉ đồng, Agribank 1.000 tỉ đồng và VPBank là 886 tỉ đồng.