Hợp long cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống

Ngày 1-9, cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, nối TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp chính thức được hợp long. Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 800 m về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35 km về phía thượng lưu. Là cây cầu lớn thứ hai (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL.

Theo thiết kế, cầu Cao Lãnh có chiều dài hơn 2.010 m gồm phần cầu chính là cầu dây văng, chiều dài nhịp chính 350 m, hai nhịp biên mỗi nhịp dài 150 m. Trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều cao trụ tháp là 123,4 m, nhịp thông thuyền 37,5 m, mặt cắt ngang cầu (cầu chính và cầu dẫn) là 24,5 m. Cầu có bốn làn ô tô và hai làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Cầu Cao Lãnh có tổng vốn đầu tư là 145 triệu USD (tương đương 3.038 tỉ đồng) gồm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng ADB và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

Vị trí cầu Cao Lãnh trên sông Tiền và cầu Vàm Cống trên sông Hậu. Đồ họa: TG

Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, nối liền TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Ảnh: ĐT

Ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - Bộ GTVT (đơn vị chủ đầu tư), cho biết sau 41 tháng thi công, các phần chính của cầu cơ bản hoàn thành và hợp long. Đến nay dự án hoàn thành tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng. Các hạng mục còn lại và công tác hoàn thiện tiếp tục triển khai khẩn trương để đưa công trình khai thác trong năm 2017. Khi đó, cầu này sẽ cùng với tuyến lộ N2, tuyến Lộ Tẻ - rạch Sỏi hình thành một trục dọc thứ hai bên cạnh quốc lộ 1 từ TP.HCM đi các tỉnh Tây Nam bộ.

Trong khi đó, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ với huyện Lấp Vò, Đồng Tháp dự kiến hợp long trong vài ngày tới. Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu. Dự án có tổng chiều dài bao gồm cả đường dẫn là 5,75 km, trong đó nếu chỉ tính riêng phần cầu thì có chiều dài gần 3 km. Dự án cầu Vàm Cống được khởi công ngày 10-9-2013, có quy mô bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Chiều rộng mặt cắt ngang cầu chính và cầu dẫn là 24,5 m, được thiết kế với vận tốc 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án này hơn 270 triệu USD (tương đương 5.687 tỉ đồng) từ nguồn vốn ODA ưu đãi của chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam. Cầu Vàm Cống cách bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông Hậu và sẽ thay thế cụm phà này khi cầu đi vào hoạt động.

Cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống là hai cây cầu dây văng lớn thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL và dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây. Dự án này sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội và củng cố an ninh quốc phòng khu vực ĐBSCL.

Kết nối thông suốt ĐBSCL với cả nước

Tại lễ hợp long cầu Cao Lãnh, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh: Cầu Cao Lãnh kết hợp cầu Vàm Cống sau khi hoàn thành sẽ kết nối thông suốt trung tâm ĐBSCL với các vùng, miền trong cả nước.

Khi hai cây cầu này được thông xe sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL, rút ngắn khoảng cách đi từ các tỉnh miền Tây lên TP.HCM, thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa. Đặc biệt, miền Tây vốn là vùng có trữ lượng hàng nông sản lớn để phục vụ cho cả nước và xuất khẩu sang các nước khác. Vì thế, việc hoàn thành hai cầu này là một cột mốc lịch sử quan trọng, thuận lợi trong việc vận chuyển hàng nông sản tỏa đi các tỉnh, thành trong và ngoài khu vực, nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế hộ gia đình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm