HoREA chỉ ra bốn hạn chế tồn tại trong luật hiện nay là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; trong quá trình triển khai, điểm yếu nhất là công tác thực thi pháp luật và quy định về các điều kiện, cơ chế thực thi pháp luật của hệ thống các văn bản dưới luật; thủ tục hành chính còn rườm rà, bất cập; trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn yếu.
Từ đó hiệp hội đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm. Đơn cử như thay đổi phương thức tính tiền sử dụng đất hiện nay để đảm bảo tính minh bạch và loại trừ cơ chế xin-cho, nhũng nhiễu tiêu cực. Về lâu dài, đề nghị xác định khoản thu tiền sử dụng đất là một sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy vừa minh bạch vừa dễ tính toán.
Khi thực hiện cơ chế này cũng là cơ sở để xem xét ban hành luật thuế tài sản, bất động sản, không dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Thuế tài sản - bất động sản sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch hơn. Người tiêu dùng có cơ hội hưởng lợi vì giá nhà ở có điều kiện giảm hơn so với trước. Lý do là hiện nay tiền sử dụng đất đang chiếm khoảng trên dưới 10% giá căn hộ chung cư, trên dưới 30% giá nhà phố và khoảng 50% giá biệt thự trong dự án.
Cạnh đó, hiệp hội đề nghị UBND TP xem xét, điều chỉnh suất đầu tư xây dựng chung cư cao tầng của TP hiện nay, đang thấp hơn khoảng 10%-15% so với suất đầu tư theo quy định của Bộ Xây dựng. Điều này khiến các doanh nghiệp bị thiệt thòi.
Ngoài ra, hiệp hội kiến nghị cơ chế thực thi chính sách ưu đãi miễn tiền sử dụng đất dự án xây dựng lại chung cư cũ. Khoản 4 Điều 15 Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định: “Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ phần diện tích đất được giao trong phạm vi dự án” nhưng chưa được hướng dẫn thực hiện nên trên thực tế chưa thể áp dụng trong trường hợp xây dựng lại chung cư cũ kết hợp chỉnh trang đô thị.
Một nội dung quan trọng là trước đây, sau khi đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp... để tạo lập quỹ đất sạch của dự án theo các quy định thì doanh nghiệp được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở. Hiện nay, có ý kiến cho rằng phải thực hiện đấu thầu quỹ đất sạch này để lựa chọn chủ đầu tư. Hiệp hội nhận thấy đề xuất này hoàn toàn không hợp lý vì quỹ đất sạch này do doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó, hiệp hội kiến nghị công nhận chủ đầu tư dự án đã có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp, xen kẽ đường nội bộ, hẻm, lối đi, đất hở, kênh mương nội đồng...) mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.