Theo đơn khởi kiện, anh H. trình bày: Ngày 28-2, anh bị anh K. (lúc đó cả hai đều chưa đủ 18 tuổi) dùng dao gây thương tích và phải điều trị tại BV đa khoa Trung ương Cần Thơ một ngày, sau đó được cho về nhà. Gia đình anh có trình báo sự việc với Công an huyện Cầu Kè. Do anh K. có thỏa thuận bồi thường chi phí điều trị và tiền ngày công lao động với tổng số tiền hơn 6,7 triệu đồng nên anh làm đơn bãi nại. Vì vậy, Công an huyện Cầu Kè đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, sau đó anh K. chỉ bồi thường cho anh được 1,5 triệu đồng, còn lại hơn 5,2 triệu đồng thì… lơ luôn nên anh phải khởi kiện yêu cầu TAND huyện Cầu Kè buộc anh K. tiếp tục bồi thường cho anh hơn 5,2 triệu đồng.
Khi tòa mời lên làm việc, anh K. đồng ý bồi thường cho anh H. số tiền trên. Sau đó dù tòa đã triệu tập hợp lệ nhưng cha của anh K. (người đại diện hợp pháp của anh K.) vẫn vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm.
Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, cha của anh H. (người đại diện hợp pháp của anh H.) giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của anh H. và không bổ sung gì thêm.
Theo HĐXX, việc anh K. gây thương tích cho anh H. là có thật. Do anh K. không thực hiện đúng thỏa thuận bồi thường nên anh H. mới khởi kiện.
Tại thời điểm anh H. khởi kiện (tháng 6-2018), anh K. chưa đủ 18 tuổi nên tòa đã đưa cha ruột của anh K. vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, tính đến ngày xét xử, anh K. đã đủ 18 tuổi nên là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định tại Điều 20 BLDS 2015. Do đó HĐXX xét thấy có đủ căn cứ buộc anh K. phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh H. với số tiền hơn 5,2 triệu đồng.
Thế nào là người thành niên? Theo Điều 19 BLDS 2015, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo Điều 20 BLDS 2015, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22, 23 và 24 của bộ luật này (các điều luật này quy định về trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự). |