Trong nhiều câu chuyện truy thu thuế đã cho thấy chính sách thuế, quy định về tính thuế rất “lùng bùng”, đến nỗi cơ quan thuế trung ương hiểu và hướng dẫn một đàng, cơ quan thuế địa phương hướng dẫn kiểu khác.
Ví dụ, trong trường hợp của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, có một ưu đãi thuế mà Tổng cục Thuế và Cục Thuế áp dụng khác nhau.
Công ty này được ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm vì thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán (theo Nghị quyết 01/2004 của Chính phủ). Công ty thực hiện niêm yết năm 2006. Tuy nhiên, vào thời điểm 2006, công ty hưởng ưu đãi giảm 50% thuế trong các năm 2006-2007-2008 do cổ phần hóa. Vậy công ty hưởng ưu đãi do niêm yết ra sao?
Tổng cục Thuế hướng dẫn công ty “gộp ưu đãi”. Đang hưởng một cái giảm 50%, nay cộng thêm một cái giảm 50% nữa, gộp thành... miễn 100%. Theo đó, ưu đãi mà công ty hưởng gộp là: miễn thuế 2006, miễn thuế 2007 và giảm 50% thuế năm 2008.
Tuy nhiên, Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn không được “gộp” mà phải hưởng hết ưu đãi cổ phần hóa, giảm thuế 50% của ba năm 2006-2007-2008 xong rồi hưởng tiếp ưu đãi niêm yết, giảm 50% thuế vào năm 2009-2010. Thế là công ty đã thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thuế TP.
Đến năm 2011, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có công văn hướng dẫn rằng từ năm 2009 trở đi mà doanh nghiệp chưa hưởng loại ưu đãi do niêm yết thì coi như bỏ, doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi này nữa. Dựa trên công văn này, Cục Thuế TP.HCM truy thu thuế năm 2009-2010 của Nhựa Bình Minh.
Cùng một ưu đãi mà trung ương, địa phương hiểu khác nhau là chuyện không thể chấp nhận. Rủi ro trong áp dụng chính sách dồn hết về cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không biết cách áp dụng thì được hướng dẫn bằng công văn. Công văn hướng dẫn này có giá trị pháp lý gì trong trường hợp cơ quan thuế quay lại truy thu thuế? Cơ quan ban hành hướng dẫn có phải bồi thường cho doanh nghiệp các tổn thất vì việc bị truy thu?
Q.NHƯ