Trước đây ông Quách Hoàng Đức có người con trai riêng là ông Quách Phước Minh. Năm 1978 (khi ông Minh 12 tuổi) thì ông Đức đi bước nữa, kết hôn với bà Lê Ái Tú. Sau đó, hai người đón ông Minh về ở chung, nuôi dưỡng, chăm sóc, cho đi học và nhập hộ khẩu vào nhà họ (hai người không có con chung).
Chuyện “bánh đúc có gai” và phán quyết của tòa
Gia đình chung sống với nhau 20 năm thì năm 1999 ông Đức mất, trước khi mất ông có làm di chúc để toàn bộ di sản cho bà Tú. Nhưng đến khi bà Tú mất thì bà không để lại di chúc, ông Minh vẫn quản lý toàn bộ di sản.
Sau đó, có một người khác kiện tranh chấp di sản với ông Minh. Về phần mình, ông Minh cũng có đơn phản tố yêu cầu tòa công nhận phần di sản của bà Tú cho mình.
Tháng 10-2014, TAND quận Cái Răng xử sơ thẩm, công nhận ông Minh được quyền thừa kế di sản do bà Tú đã chết để lại. Tháng 8-2015, tại phiên xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ cũng đồng tình với phán quyết này.
Tòa phúc thẩm nhận định: “Xét nguồn gốc di sản thừa kế được xác lập trong thời kỳ hôn nhân giữa ông Đức và bà Tú chỉ sau khi ông Đức chết bà Tú mới được hưởng toàn bộ di sản này theo di chúc. Trong khi mối quan hệ giữa bà Tú và ông Minh đã thỏa mãn điều kiện về nuôi dưỡng và chăm sóc nhau như mẹ con và được quyền thừa kế theo quy định tại Điều 679 BLDS (về thừa kế giữa con riêng và mẹ kế). Do vậy, yêu cầu phản tố của ông Minh là có căn cứ và được chấp nhận”.
Điều kiện để “con ghẻ” hưởng di sản của mẹ kế
Trong vụ việc trên, tòa đã tuyên anh Minh được hưởng di sản theo Điều 679 BLDS. Mà điều luật lại quy định anh Minh còn có quyền hưởng di sản theo Điều 676 bộ luật này (quy định về hàng thừa kế theo pháp luật). Vậy thì hàng thừa kế theo pháp luật của con riêng được coi là hàng thứ mấy?
Theo Điều 676 BLDS, hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy, con riêng không nằm trong diện thừa kế theo pháp luật.
Muốn hưởng thừa kế theo pháp luật, người con riêng đó phải có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con (theo Điều 679 BLDS). Nếu thỏa mãn quan hệ này thì người con riêng sẽ thừa kế di sản theo Điều 676 BLDS, nghĩa là sẽ được thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất như đối với con đẻ, con nuôi.
Trong vụ án trên, hai cấp tòa ở Cần Thơ đã công nhận quan hệ giữa bà Tú và ông Minh như mẹ con nên ông Minh được hưởng thừa kế di sản của bà Tú theo hàng thừa kế thứ nhất.
Có được miễn thuế thu nhập cá nhân?
Ngoài ra, việc hưởng di sản thừa kế của con riêng có phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hay không?
Cụ thể, Điều 3 Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính (hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNCN năm 2007 và Nghị định 65/2013) quy định các khoản thu nhập được miễn thuế. Trong đó, điểm d khoản 1 điều này quy định miễn thuế cho thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
Điều khoản vừa đề cập thực chất là quy định việc miễn thuế đối với người nhận di sản thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 676 BLDS. Nhưng nghiệt thay trong phần liệt kê, điều khoản đó lại không nhắc đến đối tượng cha dượng, mẹ kế và con riêng.
Trong khi đó theo pháp luật, thừa kế của con riêng có hai dạng. Một là thừa kế theo di chúc của mẹ kế, cha dượng mà không cần chứng minh quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau. Hai là chứng minh quan hệ với nhau như cha con, mẹ con để hưởng thừa kế theo pháp luật (cụ thể là theo Điều 676 BLDS). Nhưng các quy định về thuế TNCN lại không làm rõ tính chất của hai trường hợp nêu trên.
Chính vì lấn cấn này mà ở vụ việc trên, tháng 10-2015, Cục Thuế TP Cần Thơ đã gửi công văn trao đổi với Tổng cục Thuế. Trong công văn, Cục Thuế cho rằng do quy định không nói đến việc miễn thuế cho trường hợp mẹ kế con riêng nên Cục thuận theo hướng không miễn cho ông Minh. Ngày 19-1 vừa qua, Tổng cục Thuế có văn bản hồi đáp thống nhất với cách xử lý của Cục Thuế TP Cần Thơ.
Nên sửa quy định Trường hợp trong vụ này là khá hi hữu và hiếm xảy ra nhưng thực tế đã có thì luật phải quy định rõ. Theo tôi, cơ quan thuế nên miễn phần thuế TNCN cho người con trong trường hợp này. Bởi lẽ tòa án đã xét xử và công nhận quyền hưởng thừa kế của ông Minh theo pháp luật ở hàng thứ nhất như đối với con đẻ, con nuôi. Tức là xét về góc độ tình cảm và xã hội thì quan hệ giữa ông Minh và bà Tú là quan hệ thân thiết, gắn bó như mẹ con ruột hay mẹ con nuôi. Mà giữa mẹ ruột - con ruột hay mẹ nuôi - con nuôi thì được miễn thuế, vậy thì trường hợp này miễn thuế là hợp lý, hợp tình. Điều này được thể hiện bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không phải là nhận xét cảm tính của cơ quan thuế hay cá nhân ai đó. Ngoài ra, cơ quan chức năng nên sửa đổi theo hướng quy định rõ miễn thuế TNCN trong trường hợp này như đối với trường hợp con ruột, con nuôi nhận thừa kế. LS PHẠM MINH TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM Cần miễn thuế vì tính chất như con ruột Trường hợp này tòa đã xử công nhận mối quan hệ “như cha con, mẹ con”, xem như con ruột thì nên áp dụng chính sách thuế TNCN như đối với con ruột nhận thừa kế mới hợp tình, hợp lý. Cơ quan thuế đã cứng nhắc khi cho rằng quy định thuế không ghi miễn nên không xét miễn thuế. Cách áp dụng quy định như vậy là “an toàn” cho cơ quan thuế, tránh việc rắc rối sau này khi bị các cơ quan khác đến thanh tra, kiểm tra về số thuế thất thoát. Người con có thể kiện ra tòa để đòi được miễn thuế, đưa ra căn cứ là bản án mà tòa công nhận mối quan hệ “như mẹ con”. Nếu tòa xử miễn thuế thì cơ quan thuế sẽ có căn cứ pháp lý vững chắc hơn để mạnh dạn miễn thuế cho người dân. Khi đó có thể vụ này sẽ thành một “án lệ” cho những trường hợp tương tự. LS Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty Sẽ quy định cụ thể Năm 2015, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Luật sửa đổi các luật về thuế, trong đó có sửa đổi quy định về thuế TNCN, bổ sung thêm trường hợp miễn thuế khi chuyển nhượng, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa cha dượng, mẹ kế với con riêng của vợ, chồng. Theo tờ trình của Bộ Tài chính thì trên thực tế cha dượng, mẹ kế cũng có cách chuyển nhượng lòng vòng và cuối cùng tài sản cũng đến tay con riêng mà vẫn không chịu thuế. Do đó nên miễn thuế luôn. Dự thảo này đang được lấy ý kiến. |