TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng vừa xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa, giao hồ sơ cho tòa sơ thẩm xét xử lại theo quy định. Lý do chính để hủy án là đại diện của chủ tịch UBND tỉnh này được tòa án triệu tập nhiều lần nhưng không có mặt, không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Theo hồ sơ, năm 2008, UBND huyện Diên Khánh cấp cho bà Trần Thị Kim Bích giấy đỏ của ba thửa đất nông nghiệp có tổng diện tích 4.405 m2 tọa lạc tại xã Diên An, huyện Diên Khánh.
Tháng 6-2015, UBND huyện Diên Khánh ban hành quyết định (QĐ) thu hồi 3.374 m2 đất của gia đình bà Bích để thực hiện dự án khu dân cư Phú Ân Nam 2, xã Diên An. Kèm theo đó là QĐ phê duyệt bồi thường hỗ trợ, tái định cư đối với diện tích bị thu hồi. Cho rằng phía UBND áp giá bồi thường đất quá thấp (32.000 đồng/m2) nên bà Bích khiếu nại.
Sau đó chủ tịch UBND huyện có QĐ giải quyết khiếu nại theo hướng bác đơn, bà Bích tiếp tục khiếu nại lên cấp tỉnh. Tháng 3-2017, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có QĐ giải quyết bác khiếu nại của bà Bích, giữ nguyên QĐ của UBND huyện.
Tiếp đó, bà Bích khởi kiện yêu cầu tòa hủy hai QĐ giải quyết khiếu nại nêu trên của chủ tịch UBND huyện và chủ tịch UBND tỉnh. Tháng 8-2017, TAND tỉnh xử sơ thẩm đã tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Bích nên bà kháng cáo.
Xử phúc thẩm mới đây, TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng nhận định việc UBND huyện áp giá bồi thường 32.000 đồng/m2 là chưa xem xét thực tế việc đất quy hoạch được sử dụng vào mục đích phân lô, bán để làm nhà ở. Theo danh mục tài sản bán đấu giá đất tại đây nhiều lô có giá khởi điểm là 3,4 triệu đồng/m2 (nếu đất tiếp giáp hai mặt tiền thì nhân thêm hệ số 1,1).
Từ sự chênh lệch giá đất này mà tòa án cấp phúc thẩm đã triệu tập đại diện của chủ tịch UBND tỉnh đến phiên tòa để làm rõ. Tuy nhiên, tòa án đã triệu tập nhiều lần mà người này không có mặt, chỉ cử người bảo vệ quyền lợi cho UBND là một cán bộ Sở TN&MT. Mặt khác, chủ tịch UBND tỉnh còn cử phó chánh thanh tra Sở TN&MT tham gia tố tụng nên không được chấp nhận vì vi phạm điểm c khoản 2 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính.
Theo tòa phúc thẩm, việc không có mặt đại diện của chủ tịch UBND tỉnh là không đảm bảo cho việc trả lời, tranh luận giữa sự chênh lệch giá đất bị thu hồi với giá đất sau quy hoạch được phân lô bán nền.
Cạnh đó, theo giấy đỏ của bà Bích được công nhận 4.405 m2, đất bị thu hồi là 3.374 m2, tức là diện tích còn lại phải là 1.031,4 m2 nhưng thực tế UBND chỉ trả lại cho bà Bích 718 m2. Việc thiếu diện tích đất của bà Bích chưa được cấp sơ thẩm làm rõ là giải quyết chưa triệt để, không đảm bảo quyền lợi của bà Bích. Trong khi bà Bích khởi kiện yêu cầu xem xét lại hai QĐ về việc giải quyết khiếu nại là yêu cầu xem xét toàn diện.
Với những lý do nêu trên, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận đề nghị của VKSND Cấp cao tại TP Đà Nẵng, tuyên hủy bản án sơ thẩm trên.
Cán bộ thanh tra không được tham gia tố tụng Qua thực tiễn công tác xét xử, TAND Tối cao nhận được phản ánh của các tòa án địa phương về một số vướng mắc trong giải quyết các vụ án hành chính. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, ngày 19-9, chánh án TAND Tối cao đã có Công văn số 02/GĐ-TANDTC giải đáp nhiều vấn đề. Riêng đối với thắc mắc: Trong vụ án hành chính, cán bộ, thanh tra viên chuyên ngành của thanh tra Sở TN&MT có được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ tịch UBND tỉnh không thì TAND Tối cao giải đáp là không. Cụ thể, theo điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật Thanh tra thì thanh tra sở là một trong những cơ quan thanh tra nhà nước. Theo điểm c khoản 2 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính thì “cán bộ, công chức trong các cơ quan tòa án, VKS, thanh tra, thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành công an” không được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ án hành chính. Do đó, cán bộ, thanh tra viên chuyên ngành của thanh tra Sở TN&MT không được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ tịch UBND tỉnh trong vụ án hành chính. Nếu chủ tịch UBND tỉnh thông báo cử những đối tượng nêu trên đăng ký làm người bảo vệ quyền lợi cho chủ tịch tỉnh thì tòa án phải từ chối. |