Hủy án vì sử dụng chứng cứ không đúng pháp luật

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm do không thụ lý giải quyết yêu cầu độc lập của người liên quan và sử dụng chứng cứ không đúng pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Tuyết V kiện bà Nguyễn Thị H yêu cầu trả lại căn nhà tại TP Phan Thiết, Bình Thuận.

Theo bà V, nhà này do bà V tạo lập năm 1992 trước khi kết hôn với ông Nguyễn Văn M (anh trai bà H). Năm 2000, bà được ông M bảo lãnh sang Mỹ định cư nên để cho bà H (em ông M) ở và trông coi. Năm 2010, bà V và ông M ly hôn tại Mỹ. Theo bản án ly hôn này thì bà đã đưa căn nhà vào tài sản chung để chia và kết quả bà được chia căn nhà. Nay bà V muốn về Việt Nam định cư và dùng nhà này làm chỗ ở.

Bà H không đồng ý bởi theo bà thì ông M và bà V chung sống như vợ chồng trước khi làm kết hôn và ông M đã trả tiền mua nhà, cho bà V đứng tên.

Người liên quan là ông M đề nghị tòa chia đôi tài sản cho ông và bà V.

Xét xử sơ thẩm, ngày 5-6-2020, TAND tỉnh Bình Thuận chấp nhận yêu cầu của bà V về việc yêu cầu bà H và gia đình (trong đó có ông M) giao trả nhà.

Ông M kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét thấy nếu căn cứ nội dung bản án ly hôn tại Mỹ (không được thi hành đối với việc phân chia bất động sản tại Việt Nam) thì việc ông M trình bày yêu cầu chia tài sản chung là bất động sản tại Việt Nam là yêu cầu khởi kiện độc lập mà TAND tỉnh Bình Thuận phải thụ lý giải quyết nhưng tòa không thụ lý yêu cầu của ông M.

Ngoài ra, TAND tỉnh Bình Thuận lại sử dụng chứng cứ là quyết định của bản án ly hôn tại Mỹ. Trong khi đó, chính TAND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định không công nhận và thi hành quyết định bản án đó tại Việt Nam.

Xét thấy việc chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà V, buộc bà H trả nhà cho bà V không đồng nghĩa với việc xác định tài sản đó là thuộc sở hữu riêng của bà V. Do việc căn cứ chứng cứ không được phép sử dụng là phần quyết định của bản án ly hôn tại Mỹ nên dẫn đến phần quyết định đã buộc cả ông M phải dọn ra khỏi nhà mà không thụ lý và xét xử yêu cầu độc lập của ông. Từ đó, tòa phúc thẩm hủy toàn bộ án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại.            

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm