Theo đó, tòa chấp nhận một phần kháng nghị của VKS, hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND huyện Phú Quốc để làm rõ phần diện tích hơn 4.000 m2 truy tố bị cáo so với cột mốc số 104 trên thực địa vi phạm bao nhiêu. Cần lấy ý kiến UBND tỉnh Kiên Giang về việc vì sao không phê duyệt sơ đồ ranh, mốc Vườn quốc gia Phú Quốc và chưa cấp giấy cho vườn. Bởi theo quy định của pháp luật, việc này sẽ xác định được lâm phận của vườn, là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự... Như vậy sau năm năm với bốn bản án, vụ án hủy hoại rừng Phú Quốc lại quay lại từ đầu.
Như đã đưa tin, ngày 19-10, sau một ngày xét hỏi, VKS đã đề nghị tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng hai bị cáo có tội.
Trước đó, bản án sơ thẩm lần đầu tuyên phạt hai bị cáo Hưng hai năm tù, Phượng ba năm tù treo. Sau đó TAND tỉnh Kiên Giang đã hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Xử sơ thẩm lần hai vào tháng 11-2015, TAND huyện Phú Quốc đã tuyên hai vợ chồng bị cáo không phạm tội.
Theo cáo trạng, năm 1987, bị cáo Phượng được cha cho đất tại ấp 3, xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc) không xác định diện tích. Phượng trồng được 500 bụi tiêu và một số cây tràm. Năm 2010, vợ chồng bị cáo Hưng-Phượng xin cấp giấy trên diện tích hơn 17.000 m2. Năm 2011, vợ chồng bị cáo được huyện cấp giấy với diện tích hơn 6.700 m2, phần còn lại gần 10.000 m2 không được cấp vì nằm trong ranh giới Vườn quốc gia Phú Quốc. Sau đó vợ chồng Hưng bàn bạc thuê người chặt phá cây rừng để làm rẫy...
Ngày 2-11-2011, Trạm kiểm lâm Cửa Cạn phát hiện, lập biên bản đình chỉ vì diện tích chặt phá là đất trồng cây rừng nằm riêng biệt, không trùng với hai phần đất (đã được cấp giấy và không được cấp giấy) của vợ chồng bị cáo. Sau khi bị lập biên bản, vợ chồng Hưng vẫn tiếp tục thuê người gom đốt các cây rừng để trồng khoai mì và 70 cây dừa. Từ đó, vợ chồng bị cáo bị khởi tố về tội hủy hoại rừng.