Hy hữu: Sinh xong mới biết con bị dây rốn quấn cổ 3 vòng

Ngày 26-10, thông tin từ BV đa khoa Long Khánh (Đồng Nai) cho hay vừa đỡ sinh thành công bé trai nặng 3,4 kg, con sản phụ HTS (33 tuổi), bị dây rốn quấn cổ ba vòng trong niềm vui bất ngờ của gia đình và êkíp đỡ đẻ. Bé là con thứ tư của sản phụ, chẩn đoán thai 39 tuần ba ngày, nhập khoa sản lúc 11 giờ 15  và hạ sinh thành công lúc 11 giờ 45 cùng ngày. 

Theo BS Nguyễn Đức Toản, người trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ S., sản phụ không biết bé bị dây rốn quẩn cổ, chỉ đi khám thai một lần trong suốt thai kỳ và nhập viện trễ nên không kịp siêu âm và đưa vào phòng sinh.

Thai nhi bị dây rốn quấn cổ nhiều vòng có nguy cơ rối loạn tim thai, suy thai khi chuyển dạ ở giai đoạn sổ thai, nhất là với những trường hợp dây rốn ngắn. Trường hợp bé trai khá may mắn khi người mẹ sinh con lần thứ tư nên rặn sổ khá nhanh, dây rốn đủ dài dù bị quấn cổ, chưa bị dây rốn siết chặt kéo căng ảnh hưởng nhịp tim thai khi rặn sổ và chức năng hô hấp.  

Bé trai chào đời với dây rốn quấn cổ ba vòng. Ảnh: BST

Theo BS Toản, khi người mẹ mang thai, em bé nằm trong bọc ối thường cử động, đá ngược đá xuôi xoay, trở thế và ngôi thai mà dây rốn dễ gây nên quấn xoay vòng ở cổ. Tuy nhiên, do bé sống trong môi trường nước lỏng nên dây rốn sẽ không thắt chặt làm ảnh hưởng tưới máu từ bánh nhau sang cho bé. Nhiều trường hợp dây rốn còn tự gỡ ra theo cử động của bé.

BS Toản khuyến cáo thai phụ nên khám thai đầy đủ, khi siêu âm thấy thai nhi bị dây rốn quấn cổ nhiều vòng thì nên sinh ở cơ sở y tế có phòng mổ lấy thai. Khi đó sản phụ sẽ được theo dõi tim thai chặt chẽ, nếu không có hiện tượng bị đè ép dây rốn bất thường thì vẫn có thể cho sản phụ sinh theo ngả tự nhiên.

“Ngoài ra, việc dây rốn quấn quanh cổ nhiều vòng sẽ làm đầu thai ngửa ra sau, gây cản trở đến việc sinh qua ngả âm đạo hay gây rối, loạn nhịp tim thai nguy hiểm. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, tình trạng dây rốn quấn cổ nhiều vòng hay quá chặt xảy ra sớm trong thai kỳ có thể khiến lưu lượng máu từ bánh nhau mẹ qua thai bị giảm, giảm kali máu, nhiễm toan và thiếu máu, gây thiếu dưỡng chất nuôi thai... Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, làm thai nhi giảm chuyển động dễ gây ra nhiều nguy cơ cho bé lúc sanh” - BS Toản giải thích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới