Sáng sớm 8-1, đích thân lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đến trụ sở chính Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) giám sát nã hàng chục tên lửa vào hai căn cứ không quân của Mỹ ở Iraq.
Trong khi ông Khamenei ví vụ nã tên lửa như một cái “tát vào mặt Mỹ” thì IRGC tuyên bố đây chỉ bước đầu tiên trong chiến dịch trả thù cho tướng Qasem Soleimani bị Mỹ giết ngày 3-1. Cố vấn của Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh cáo bất cứ hành động đáp trả nào của Mỹ cũng sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện khắp khu vực. Truyền thông Iran nói nước này định sẵn 100 mục tiêu Mỹ nữa và sẽ hành động nếu Mỹ có động thái đáp trả.
Iran cũng cảnh cáo các đồng minh Mỹ nếu tiếp tay cho Mỹ tấn công Iran thì sẽ phải trả giá. Iran hài tên cụ thể Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hay TP Haifa của Israel có thể là mục tiêu tiếp theo nếu các nước này giúp Mỹ.
Tại Mỹ, ngay trong đêm, Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley vội vàng đến Nhà Trắng họp khẩn Hội đồng An ninh quốc gia dưới sự chủ trì của Tổng thống Donald Trump. Trên Twitter, ông Trump tự tin Mỹ có hệ thống quân sự mạnh nhất thế giới và rằng hiện vẫn chưa có thông tin thương vong, thiệt hại gì.
Bảng đèn mang dòng chữ “Không chiến tranh với Iran” được giăng trước Nhà Trắng tối 7-1 (giờ Mỹ) sau khi Iran nã tên lửa vào hai căn cứ của Mỹ ở Iraq. Ảnh: GETTY IMAGES
Vì đâu nên nỗi?
Trong một bài viết trên Washington Post, cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta nhận định tình hình đi đến nước này đều do cả hai bên. Theo ông, lịch sử cho thấy các cuộc chiến tranh thường xuất phát từ sự lãnh đạo sai lầm, đánh giá sai khả năng phản ứng của đối phương, đưa ra thông điệp nước đôi với kẻ thù, bỏ qua các đánh giá tình báo và khăng khăng rằng chỉ sức mạnh thôi cũng đủ thắng đối phương.
Các yếu tố này đang hiện diện trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Cả hai bên đều đánh giá sai rằng có thể bắt nước còn lại làm điều mình muốn. Với thái độ này thì hai nước còn tiếp tục nằm trong vòng luẩn quẩn đánh và bị đánh. Và điều này rất có khả năng sẽ dẫn tới một cuộc chiến kéo dài khác ở Trung Đông.
Cả Mỹ và Iran đều đưa ra các thông điệp khó hiểu. Ông Trump đơn phương bước ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tái áp đặt trừng phạt Iran, tăng cường lực lượng ở vịnh Ba Tư. Mặt khác, ông Trump lại không mạnh tay với Iran khi nước này bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6, tấn công hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia hồi tháng 9, rút quân khỏi Syria nhường ảnh hưởng cho Iran.
Tính toán của Iran cũng không khá hơn. Với việc tấn công tàu dầu ở vịnh Ba Tư, dùng lực lượng ủy nhiệm tấn công các căn cứ Mỹ và đồng minh, mà gần nhất là nã tên lửa một căn cứ Mỹ ở Kirkuk (Iraq) cuối năm 2019, Iran cho thấy chiến lược muốn đẩy Mỹ khỏi Trung Đông. Tuy nhiên, chiến lược này thất bại khi ông Trump ra lệnh không kích nhóm Kataib Hezbollah thân Iran và sau đó là ám sát tướng Soleimani.
22 tên lửa được Iran nã sang hai căn cứ Mỹ trong vòng 1 tiếng (từ 1 giờ 45 đến 2 giờ 45 sáng 8-1), căn cứ Ayn Al-Asad hứng 17 quả, trong đó có hai quả không nổ, năm quả còn lại rơi xuống căn cứ ở Erbil. Đài truyền hình nhà nước Iran nói khoảng 80 binh sĩ Mỹ thiệt mạng nhưng phía Mỹ chưa xác nhận. |
Có tránh được một cuộc chiến nữa ở Trung Đông?
Và giờ mọi việc khó có thể dừng lại với việc Iran nã hàng chục tên lửa vào hai căn cứ Mỹ. Trong một bài viết trên Los Angeles Times, chuyên gia phân tích về Trung Đông Aaron David Miller từng làm cố vấn cho nhiều đời ngoại trưởng Mỹ nhận định hoàn toàn có cơ sở để nghĩ về một viễn cảnh chiến tranh với Iran.
Thực tế Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao càng làm khả năng kiểm soát leo thang gian nan hơn. Mong manh và khó khăn là thế nhưng với tư cách là một nhà phân tích và một nhà thương lượng lâu năm về Trung Đông ở Bộ Ngoại giao Mỹ, ông vẫn tin rằng một cuộc chiến không phải là không tránh được.
2020 là năm bản lề với ông Trump với sự kiện lớn tái tranh cử tổng thống. Một cuộc chiến tranh với Iran - chắc chắn dẫn tới các hệ lụy tăng giá dầu, khủng hoảng thị trường tài chính, xáo trộn kinh tế, gây thương vong lính Mỹ - không giúp ích gì cho ông trong cuộc bầu cử. Tổng thống George W. Bush từng xúc tiến chiến tranh với Iraq nhưng không bị rủi ro gì, vì cuộc chiến này xảy ra sau khi nước Mỹ hứng khủng bố ngày 11-9-2001. Còn trường hợp ông Trump lại khác. Nói cách khác ông sẽ bị xem là thủ phạm khiêu chiến với Iran.
Cũng giống như ông Trump, ông Khamenei cũng muốn duy trì quyền lực. Ông Khamenei biết rõ Iran thời gian qua tổn thương nặng nề về kinh tế từ chiến dịch tối đa áp lực trừng phạt của chính phủ Trump, chưa kể từ đợt biểu tình quy mô lớn vừa qua. Quan trọng nữa, các tướng lĩnh Iran nếu đối đầu quân sự với Mỹ thì ưu thế sức mạnh thuộc về phía Mỹ. Ông Khamenei khó mà chắc được liệu Iran có thể chống chọi được các chiến dịch trên không, tên lửa và cả tấn công mạng của Mỹ hay không.
Binh sĩ liên quân không bị ảnh hưởng Các nước Ba Lan, Na Uy, Đan Mạch cho biết không có thương vong binh sĩ của mình trong vụ việc. Tây Ban Nha di chuyển phần lớn quân từ Iraq sang Kuwait. Anh lên án và yêu cầu Iran ngưng ngay các cuộc tấn công bất cẩn và nguy hiểm. Nhật kêu gọi các bên đối thoại ngoại giao. Philippines sơ tán công dân khỏi Iraq. Pakistan, Ấn Độ cảnh báo công dân tránh tới Iraq. Giá dầu tăng mạnh sau vụ tấn công dù Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết các cơ sở dầu Iraq an toàn. Hàng loạt hãng hàng không của nhiều nước (trong đó có Vietnam Airlines) chuyển hướng bay khỏi không phận Iran và Iraq. Vài tiếng sau vụ nã tên lửa, một máy bay Boeing 737 của Ukraine chở 176 người rơi sau khi cất cánh ở thủ đô Tehran (Iran). Nguyên nhân ban đầu được cho là do lỗi kỹ thuật. Ukraine bác bỏ giả thuyết máy bay bị khủng bố hay trúng tên lửa. |