Sáng sớm 8-1, Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nã hàng chục tên lửa vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq để trả thù cho việc Mỹ tiêu diệt Tướng Qasem Soleimani. Iran xác nhận các tên lửa được sử dụng trong vụ việc là tên lửa đạn đạo.
Từ phân tích các video hiện trường, Daily Mail cho rằng nhiều khả năng Iran phần lớn đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và một số tên lửa đạn đạo Qiam-1 trong vụ này.
Tên lửa đạn đạo Fateh-110 của Iran trong một lần thử. Ảnh: AFP
Tại sao Iran chọn sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công căn cứ Mỹ mà không phải vũ khí khác? Chia sẻ với Fox News, cựu binh Jim Hanson (từng phục vụ trong Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ, hiện là chủ tịch tổ chức SSG chuyên nghiên cứu an ninh Mỹ) có cách giải thích khá bất ngờ nhưng hợp lý về điều này.
Theo ông, việc chọn nã tên lửa đạn đạo chứ không phải một loại vũ khí khác hay hình thức tấn công có sức phá hủy mạnh hơn, như bom hay tấn công trực tiếp, cho thấy Iran chỉ muốn trả thù cho Tướng Soleimani chứ không thực sự muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh với Mỹ.
Người dân Iran thương tiếc Tướng Qasem Soleimani. Ảnh: SALAMPIX
Các lãnh đạo Iran biết Mỹ có khả năng phòng thủ các vụ tấn công tên lửa. Vụ nã tên lửa vừa rồi vừa giúp Iran lấy lại được thể diện sau cái chết của Tướng Soleimani, vừa không kích động Mỹ quá đáng khi nó không giết lính Mỹ. Việc có hay không có thương vong lính Mỹ trong vụ này ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của ông Trump.
Đài truyền hình nhà nước Iran dẫn một nguồn tin giấu tên nói Mỹ không chặn được quả tên lửa nào, khoảng 80 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, trực thăng, máy bay và khí tài quân sự Mỹ hư hỏng nặng. Tuy nhiên, phía Mỹ chưa lên tiếng.
Phát ngôn trên Twitter sau vụ việc, ông Trump vẫn lạc quan rằng tình hình vẫn ổn vì Mỹ có hệ thống khí tài quân sự mạnh, chưa có báo cáo thương vong. CNN dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết vài giờ sau vụ nã tên lửa, binh sĩ Mỹ và binh sĩ Iraq vẫn đi tuần tra bên ngoài các căn cứ.
Tên lửa đạn đạo Qiam-1 của Iran. Ảnh: CSIS
Nói cách khác, nếu lời ông Trump chính xác, Mỹ không có thương vong thì vụ nã tên lửa của Iran có thể xem là một cơ hội để hai bên xuống thang căng thẳng mà không bị mất mặt. Iran nói đó là hành động trả thù cho Tướng Soleimani. Còn Mỹ thì có thể chê đòn trả đũa của Iran thiếu sức mạnh. Đó là viễn cảnh tốt nhất.
Nhưng nếu thật sự có thương vong phía Mỹ thì sao? Nên nhớ chỉ cần một nhà thầu thiệt mạng trong vụ căn cứ ở Kirkuk (Iraq) bị tấn công cuối tháng 12-2019 cũng khiến ông Trump lệnh thực hiện tới năm vụ không kích xuống các mục tiêu của nhóm dân quân Kataib Hezbollah thân Iran.