Tranh cãi ngoại giao quanh tâm điểm Jerusalem vẫn đang căng thẳng và ngày càng diễn biến phức tạp. Ngày 24-12, trong một bước đi đối đầu với Mỹ, Quốc hội Iran thông qua một điều khoản công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine.
Điều khoản được thông qua với tỉ lệ áp đảo 187 phiếu thuận/15 phiếu chống, 9 phiếu trắng. Điều khoản này sẽ trở thành Điều 1 trong dự luật mới về sự ủng hộ của Iran với Palestine mà Quốc hội Iran sẽ tranh luận trong hai ngày tới.
Ngày 21-12, với 228 phiếu ủng hộ, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Nghị quyết này không có giá trị ràng buộc pháp lý nhưng có sức mạnh về chính trị. Trước đó, nghị quyết này đã không qua được cửa Hội đồng Bảo an LHQ dù được 14 nước ủng hộ do vướng phiếu phủ quyết của Mỹ.
Jerusalem được Iran công nhận là thủ đô Palestine. Ảnh: REUTERS
Hãng tin Mehr dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi cho biết nước này không hề ngạc nhiên vì lá phiếu phủ quyết của Mỹ, rằng quyết định mang tính “khiêu khích và không khôn ngoan” của Mỹ cho thấy “sự thiếu tuân thủ các nghị quyết quốc tế”.
“Iran lên án mạnh mẽ bước đi này và đề nghị tất cả nước và cộng đồng quốc tế ngăn chặn thực hiện nó để giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế” - theo ông Ghasemi.
Tuần trước, tại cuộc họp khẩn ở Thổ Nhĩ Kỳ, 50 nước thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã công nhận Đông Jerusalem là thủ đô Palestine.
Ngày 6-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Không những khiến thế giới Hồi giáo nổi giận, quyết định của ông Trump còn làm nhiều đồng minh phương Tây thất vọng vì cho rằng ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình hòa bình Israel-Palestine.
Xung đột, bạo lực giữa cảnh sát, binh sĩ Israel và người dân Palestine ở Đông Jerusalem, Bờ Tây, dải Gaza đến giờ vẫn chưa chấm dứt. Đã có ít nhất 11 người Palestine thiệt mạng và hơn 3.300 người bị thương, theo Bộ Y tế Palestine.