Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho rằng, xung đột Israel và Iran sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu.
Iran là nước có sản lượng xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 trong khối OPEC, đặc biệt eo biển Hormuz nằm sát Iran, nếu bị đóng cửa vì xung đột leo thang, sẽ dẫn đến gián đoạn nguồn cung năng lượng. Điều này dẫn đến giá dầu tăng mạnh.
Khi đó lạm phát tiếp tục tạo áp lực cho các nước châu Âu và Mỹ. Nếu lạm phát không hạ nhiệt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ không sớm giảm lãi suất khiến đồng USD tiếp tục mạnh.
Chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đồng USD lúc này đang gây áp lực căng thẳng tỉ giá Việt Nam, mà nếu có những biến động mạnh hơn, Ngân hàng Nhà nước sẽ rất vất vả trong công tác điều hành chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, lạm phát vẫn duy trì ở các nước châu Âu, sẽ khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Đây là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nên các đơn hàng xuất khẩu vẫn sẽ gặp khó, mà sẽ ảnh hưởng đến việc nhà máy sẽ sản xuất cầm chừng, nhân công thiếu việc, người dân siết chặt chi tiêu tiêu dùng càng tạo sức ép lớn hơn nữa cho các công ty sản xuất.
"Trong suốt thời gian vừa qua, kinh tế toàn cầu nhiều biến động đã tác động đến Việt Nam. Nhưng Chính phủ đã điều hành hết sức linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều giải pháp sáng tạo và thiết thực, do đó, kinh tế Việt vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, các cân đối vĩ mô vẫn đảm bảo.
Cuộc xung đột lần này với nhiều thách thức, khó khăn hơn nhưng các cơ quan chức năng sẽ không chủ quan mà có các công tác điều hành dựa trên các kinh nghiệm trước đó, sẽ hợp lý, hiệu quả và hài hoà nhằm mục tiêu ổn định và tăng trưởng nền kinh tế" - ông Phương nói.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định, để giải tỏa các áp lực căng thẳng địa chính trị và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới và cũng là xu thế tất yếu toàn cầu như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách, đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỉ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm có tính lan tỏa cao.
PGS.TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, với những lợi thế về kinh tế vĩ mô hiện tại thì chúng ta vẫn có thể kiểm soát tốt được tỷ giá trong năm nay.
Năm nay câu chuyện vẫn sẽ là làm thế nào để có thể thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế hơn là bài toán tỉ giá.
Có thể thấy rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng một lượng dự trữ ngoại hối đáng kể, giúp tăng cường khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết để ổn định tỉ giá.
Điều này là một trong những yếu tố cốt lõi giúp NHNN duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt trong bối cảnh tỷ giá có biến động. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, NHNN có thể áp dụng một loạt các biện pháp chính sách tiền tệ linh hoạt để đảm bảo lạm phát ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm việc điều chỉnh lãi suất chính sách và sử dụng các công cụ phái sinh tiền tệ.
Sự linh hoạt này cho phép NHNN cân bằng giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục duy trì cán cân thương mại tích cực và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Điều này góp phần vào việc ổn định tỷ giá và cung cấp thêm dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng.