Iran tham chiến ở Syria

Ngày 16-10 (giờ địa phương), quân đội chính phủ Syria đã mở chiến dịch hành quân quy mô nhằm tái chiếm TP Aleppo từ quân khủng bố bao gồm Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận Al Nusra (chi nhánh Al Qaeda ở Syria).

Đồng loạt phản công ở Syria và Iraq

Liên quân tham gia chiến dịch hành quân gồm quân đội Syria và lực lượng Iran. Đây là lần đầu tiên người Iran trực tiếp tham chiến ở Syria. Chiến dịch hành quân được không quân Nga yểm trợ.

Báo Haaretz (Israel) đưa tin Iran khẳng định chỉ đưa vũ khí và cố vấn quân sự giúp Syria nhưng không điều động quân sang Syria.

Tuy nhiên, AFP dẫn nguồn tin từ một người có trách nhiệm của Mỹ cho biết lực lượng Iran tham chiến gồm 2.000 quân là binh sĩ Iran (vệ binh cách mạng Iran) hoặc các lực lượng do Iran hậu thuẫn (như Hezbollah ở Lebanon hay dân quân Iraq).

Chiến dịch hành quân được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Liên quân mở hai gọng kềm ở hai tỉnh Homs và Hama, đồng thời mở mặt trận mới gần TP Aleppo. Mặt trận kéo dài theo chiều rộng 15 km.

Aleppo gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là trung tâm công nghiệp và thương mại của Syria và là TP đông dân nhất Syria (gần hai triệu dân). Trong hai năm qua quân đội Syria vẫn chưa kiểm soát được TP chiến lược này.

Trong khi đó tại Iraq, từ ngày  15-10, quân đội Iraq cùng lực lượng dân quân dòng Shiite đã mở cuộc phản công đánh Nhà nước Hồi giáo trên hai mặt trận Ramadi (miền Tây) và Baiji (miền Bắc).

Ramadi (thủ phủ tỉnh Anbar) cách thủ đô Baghdad chỉ 100 km đã bị Nhà nước Hồi giáo kiểm soát từ tháng 5. Hiện có 600-1.000 tên cố thủ tại đây. Vùng Baiji nằm giữa nhiều mặt trận nên chiếm được Baiji sẽ cắt đứt đường liên lạc và cung cấp của Nhà nước Hồi giáo.

 
TP Aleppo tan hoang trong chiến sự. Ảnh: GETTY IMAGES

Nga phổ biến bản đồ cho phương Tây

Tại Nga hôm 16-10, Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) Andrei Kartapolov thông báo với báo giới sau ba lần thảo luận từ xa qua màn hình, Bộ Quốc phòng Nga và Lầu Năm Góc chuẩn bị ký kết văn bản về bảo đảm an toàn bay trên không phận Syria.

Ông cho biết mọi vấn đề kỹ thuật đã được giải quyết xong xuôi và các luật gia của hai bên Nga và Mỹ đang rà soát văn bản lần cuối. Ông giải thích văn bản này sẽ dự kiến các tình huống có thể xảy ra sự cố trên không phận Syria khi máy bay Nga và máy bay của liên minh do Mỹ đứng đầu tấn công Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), tướng Andrei Kartapolov cũng thông báo Bộ Quốc phòng Nga đã hoàn thành bản đồ các vị trí của quân Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận Al Nusra ở Syria. Bản đồ này sẽ được trao cho các tùy viên quân sự nước ngoài thông qua kênh ngoại giao quân sự.

Ông giải thích trước đó Bộ Quốc phòng Nga đã đề nghị nhưng các đối tác không cung cấp dữ liệu về các khu vực do quân nổi dậy ôn hòa Syria kiểm soát (lực lượng do Mỹ hậu thuẫn). Bởi thế phía Nga phải lập bản đồ riêng dựa theo tin tức tình báo và thông tin từ trung tâm hỗn hợp điều phối tin tình báo mới lập ở Iraq (Nga, Syria, Iran và Iraq cùng lập).

Bản đồ thể hiện các khu vực của quân đội Syria cũng như các khu vực do Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận Al Nusra kiểm soát. Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, quân số Nhà nước Hồi giáo có 40.000-50.000 quân.

10.000 USD cho kẻ tuyển mộ

Cùng ngày 16-10 tại Bỉ, tổ công tác của LHQ đã công bố báo cáo điều tra về hoạt động của các tay súng nước ngoài ra đi từ các vùng xung đột. Nữ luật sư Elzbieta Karska (người Ba Lan, phụ trách tổ điều tra) nhận xét Nhà nước Hồi giáo đã sử dụng các mạng xã hội cũng như các kênh không chính thức (gia đình, bạn bè…) để tuyển mộ người ở Bỉ sang Syria gia nhập.

Bọn trung gian tuyển mộ thường cư trú ở Syria. Chúng được trả công tùy theo số lượng người được tuyển và trình độ của người được tuyển. Tiền công dao động từ 2.000 USD hoặc 3.000 USD cho đến 10.000 USD nếu người được tuyển đạt trình độ cao như chuyên viên tin học hay bác sĩ.

Báo cáo điều tra ghi nhận thành phần bọn được tuyển khác nhau nhưng không phải là người thất nghiệp vì nhiều người có điều kiện vật chất khá giả. Độ tuổi trung bình là 23 tuổi trở xuống và ngày càng có nhiều phụ nữ gia nhập. Động cơ gia nhập khác nhau như yếu tố tôn giáo, tìm kiếm phiêu lưu.

Trong Liên minh châu Âu, Bỉ là nước có số người sang Syria gia nhập Nhà nước Hồi giáo nhiều nhất nếu so sánh với dân số. Hồi tháng 7, LHQ đã khảo sát ở Tunisia là nước có người gia nhập Nhà nước Hồi giáo nhiều nhất tính theo số lượng. Năm tới LHQ sẽ bắt đầu điều tra ở Ukraine.

Ngày 16-10, Tổ chức Di dân Quốc tế công bố báo cáo cho thấy tính từ đầu năm 2014 đến cuối tháng 9 vừa qua, số người tản cư trong nước tại Iraq là 3.206.736 người, trong đó có 534.456 gia đình. Nguyên nhân do bạo lực do bọn Nhà nước Hồi giáo gây ra. Trong 3,2 triệu người tản cư có 42% là dân ở tỉnh Anbar. Nhà nước Hồi giáo đã bám trụ ở tỉnh này từ đầu năm 2014 rồi từ đó mở cuộc tiến công chưa từng thấy đánh chiếm nhiều địa bàn ở Iraq. Chiến sự vẫn đang diễn ra ở tỉnh Anbar.

Tại Syria, báo Libération (Pháp) dẫn báo cáo của Tổ chức Di dân Quốc tế hồi tháng 7 nêu có 7,6 triệu người tản cư trong nước và hơn bốn triệu người Syria di cư ra nước ngoài, trong số đó 250.000 người sang Iraq. Nguyên nhân do Nhà nước Hồi giáo quá tàn ác và do chiến sự ở Syria. Các vùng Aleppo và vành đai thủ đô Damascus là địa phương có nhiều người dân tản cư nhất. Ở Aleppo có 1,4 triệu người tản cư (20% dân số), còn Damascus có 980.000 người tản cư (hơn 48% dân số).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới