Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về kênh đào Funan Techo của Campuchia, chuyên gia Hoàng Việt (Trường ĐH Luật TP.HCM) nói: Theo các quy định của luật quốc tế hiện nay, Campuchia có quyền xây dựng kênh đào Funan Techo trên lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, Campuchia cần thực hiện nghĩa vụ hợp tác, trong đó cần chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án kênh đào đối với Ủy hội sông Mekong (MRC) theo quy định của Hiệp định Mekong năm 1995; đồng thời thực hiện đánh giá tác động môi trường (viết tắt tiếng Anh là EIA) cho dự án kênh đào này...
“Thượng tôn pháp luật” cùng với tinh thần thiện chí, hợp tác, vận dụng năng lực khoa học sẽ là “chìa khóa” để giải những khúc mắc hiện tại về kênh đào Funan Techo. Điều này có ý nghĩa với tất cả quốc gia, người dân liên quan đến sông Mekong.
“Mở cửa” kênh đào Funan Techo…
. Phóng viên: Từ cuộc tranh luận về dự án kênh đào Funan Techo thời gian qua, ông có cảm nhận như thế nào về dự án này?
+ Chuyên gia Hoàng Việt: Tôi theo dõi rất sát thông tin về dự án này, đặc biệt nếu nhìn từ góc nhìn luật quốc tế. Tuy nhiên, trước tiên tôi muốn nói một chút về khía cạnh ngoại giao.
Chúng ta đều biết dự án kênh đào Funan Techo nằm trong số các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên được chính phủ của Thủ tướng Campuchia Hun Manet công bố kể từ tháng 8-2023.
Campuchia đã mất 26 tháng để tiến hành nghiên cứu khả thi với sự tham gia của hàng chục chuyên gia.
Với kinh phí ước tính là 1,7 tỉ USD, dự án kênh đào này dự kiến được khởi công vào cuối năm nay và ước tính sẽ mất bốn năm để hoàn thành vào năm 2028. Qua đó có thể thấy Campuchia rất xem trọng dự án này, đồng thời cũng đã đầu tư nguồn lực nghiên cứu và khâu triển khai.
Tới lúc này tôi thấy lãnh đạo hai nước đã trao đổi khá cởi mở, thẳng thắn. Phía Campuchia cũng gửi hồ sơ lên Ủy hội Quốc tế sông Mekong (MRC) về dự án vào tháng 8-2023. Việt Nam (VN) cũng gửi thư lên MRC đề nghị được cung cấp thêm thông tin.
Sau đó, hai bên đã có trao đổi qua các diễn đàn ngoại giao, gần nhất là tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và người đồng cấp Campuchia Sun Chanthol khi tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản hôm 23-5. Các chính khách của hai nước cũng chia sẻ quan điểm, thông tin một cách chính thức, không chính thức.
Tuy nhiên, đến lúc này các thông tin cần thiết về dự án kênh đào Funan Techo vẫn chưa đủ để cả VN, Campuchia và MRC cùng ngồi lại làm việc hiệu quả trên tinh thần luật pháp quốc tế.
Tôi rất đồng tình với phát ngôn của phía VN khi khẳng định VN ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các nước ven sông Mekong, trong đó có Campuchia và kênh đào Funan Techo trên tinh thần các nước thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Hiệp ước Mekong 1995 và các văn bản pháp lý liên quan.
Campuchia và VN là hai nước không chỉ là thành viên MRC, dùng chung dòng sông Mekong mà cả hai từng sát cánh với nhau qua rất nhiều sự kiện, biến động trong lịch sử. Vì vậy, vấn đề Funan Techo, tôi rất mong hai bên sẽ có cùng tiếng nói và có nhiều cơ sở để cả hai làm việc ấy.
… Bằng “chìa khóa” luật quốc tế
. Xin ông nói rõ hơn về cơ sở để Campuchia - VN có thể có tiếng nói chung?
+ Nhìn lại diễn biến vừa qua, tôi nghĩ cơ sở vững chắc và rõ ràng nhất là cả hai bên cần sử dụng và tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc sử dụng các nguồn nước quốc tế.
Cả VN và Campuchia đều là thành viên của Hiệp định Mekong năm 1995. Ngoài ra, luật pháp quốc tế về sử dụng các nguồn nước quốc tế bao gồm các nguyên tắc chung, các công ước quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc về sử dụng các nguồn nước quốc tế với mục đích phi giao thông năm 1997 (Công ước 1997), các án lệ quốc tế liên quan… đều đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra một khung khổ pháp lý cho các hoạt động sử dụng các nguồn nước quốc tế như trường hợp dự án kênh đào Funan Techo.
. Đâu là những nguyên tắc chung của luật quốc tế mà VN - Campuchia cần ứng dụng?
+ Các nguyên tắc chung cốt lõi của luật sử dụng các nguồn nước quốc tế bao gồm: Nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế; nguyên tắc không gây hại trong việc sử dụng các nguồn nước quốc tế và nguyên tắc nghĩa vụ hợp tác trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế.
Các nguyên tắc này đều được quy định trong Công ước 1997 và Hiệp định Mekong năm 1995. Trong đó, Hiệp định Mekong năm 1995 có tính ràng buộc về mặt pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế mà trong đó cả Campuchia và VN đều là thành viên nên cả hai quốc gia này phải có nghĩa vụ tuân thủ nó.
. Trường hợp kênh đào Funan Techo thì ứng được luật như thế nào?
+ Hồ sơ mà phía Campuchia trình lên MRC chỉ có 14 trang, trong đó phần mô tả chỉ có sáu trang. Thông tin như vậy là còn hạn chế với một dự án tầm cỡ tỉ đô. Chính bởi thông tin còn thiếu, không ai đánh giá chính xác được tác động của kênh đào này đối với khu vực xây kênh đào và vùng hạ nguồn ra sao.
Đó là lý do không chỉ VN, dư luận quốc tế cùng nhiều cơ quan nghiên cứu về Mekong đề nghị Campuchia cung cấp thêm thông tin, chứ không phải họ muốn làm khó Campuchia trong dự án. Đây cũng chính là nội dung của nguyên tắc về nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia ven Mekong, cũng được quy định trong Điều 1 Hiệp định Mekong năm 1995.
Về nguyên tắc “sử dụng nguồn nước một cách công bằng và hợp lý”, sẽ không công bằng nếu các quốc gia ở hạ lưu ngăn cản các quốc gia ở thượng nguồn sử dụng dòng Mekong chảy qua lãnh thổ của họ.
Ngược lại, cũng sẽ không công bằng khi các quốc gia thượng nguồn sử dụng dòng sông Mekong nhưng gây hại cho hạ nguồn. Vì vậy, nguyên tắc “sử dụng nguồn nước một cách hợp lý và công bằng” giúp hài hòa quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven sông thông qua một thủ tục công bằng.
Theo đó, Điều 5 Hiệp định Mekong năm 1995 quy định các dự án kết nối với dòng chính sông Mekong và làm thay đổi dòng chảy của dòng chính phải thực hiện quy trình tham vấn trước.
Thủ tục này được MRC quy định với tên gọi là Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (tiếng Anh viết tắt PNPCA). Nếu áp dụng thủ tục PNPCA thì dù các nước khác không có quyền phủ quyết việc Campuchia sử dụng nguồn nước trên sông Mekong nhưng nước bạn phải thực hiện tất cả bước cần thiết để tôn trọng quyền của nước khác.
Không nước nào có quyền tuyệt đối trong sử dụng nguồn nước sông Mekong, thay vào đó, họ phải cùng nhau hợp tác để tìm được giải pháp chung.
Nhìn từ những con sông lớn trên thế giới
Trên thế giới có 276 sông xuyên biên giới. Đã có nhiều tiền lệ cho sự thành công trong việc hợp tác chia sẻ nước và quản lý lưu vực sông.
Sông Danube ở châu Âu: Việc hợp tác giữa các quốc gia lưu vực sông Danube được xem là một trường hợp thành công điển hình về quản trị sông xuyên biên giới. Vào năm 1998, Ủy ban Quốc tế bảo vệ sông Danube (ICPDR) được thành lập, cho phép các quốc gia hợp tác cùng nhau để đánh giá tình trạng của dòng sông và xây dựng các kế hoạch trên toàn lưu vực nhằm giải quyết các vấn đề ưu tiên như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, lũ lụt, tác động của việc sản xuất thủy điện và giao thông.
Hiện nay, ICPDR tiếp tục hỗ trợ các quốc gia lưu vực sông Danube cân bằng giữa nhu cầu cạnh tranh và việc sử dụng sông Danube. Trong công việc thực hiện Chỉ thị khung về nước (WFD) và Chỉ thị về lũ lụt (FD) của Liên minh châu Âu, ICPDR và các đối tác đã phát triển các kế hoạch quản lý trên toàn lưu vực nhằm giúp các quốc gia cải thiện tình trạng sinh thái của lưu vực sông và giảm tác động từ rủi ro như lũ lụt.
Sông Indus giữa Ấn Độ và Pakistan: Qua vai trò trung gian của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ và Pakistan đã ký kết Hiệp ước về nước sông Indus vào năm 1960. Những cuộc đàm phán trước đó đều không mang lại kết quả. Năm 1954, WB đề xuất phân bổ các con sông ở phía tây (Indus, Jhelum và Chenab) cho Pakistan và các con sông ở phía đông (Ravi, Beas và Sutlej) cho Ấn độ. Đề xuất này được chấp thuận.
Để giúp cả hai bên có được lượng nước chia sẻ công bằng, Pakistan và Ấn độ đã phải đầu tư rất nhiều tiền vào các kênh liên kết, cơ cấu dẫn dòng và các con đập. WB đã trợ giúp hai bên đàm phán một thỏa thuận chia sẻ chi phí cho các công trình dân dụng quan trọng và gây quỹ 900 triệu USD từ cộng đồng quốc tế để thêm vào cam kết trị giá 174 triệu USD của phía Ấn Độ. Khả năng huy động tài chính của WB tại thời điểm quan trọng này có vai trò quan trọng để giải quyết những lo ngại của Pakistan.
Những vấn đề pháp lý dành cho Campuchia
. Cho đến lúc này, dự án kênh đào Funan Techo vẫn đang gây tranh cãi khi thông báo của Campuchia gửi lên MRC nói là “dòng phụ”, trong khi có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu độc lập nói dự án nằm trên “dòng chính”. Vậy nên kích hoạt thủ tục PNPCA hiện đang khó khăn?
+ Giải thích khái niệm “dòng chính”, “dòng nhánh” cũng là một vấn đề pháp lý. Có những ý kiến cho rằng kênh đào này được thực hiện trên “dòng nhánh” của sông Mekong nên Campuchia không cần phải áp dụng thủ tục PNPCA. Tuy nhiên, rất nhiều người không đồng tình với quan điểm này.
Báo cáo của Trung tâm Stimson (Mỹ) mới đây đã khẳng định do kênh đào này thực hiện nối hai “dòng chính” với nhau nên phải được coi là thực hiện trên “dòng chính”, vì vậy Campuchia bắt buộc phải áp dụng thủ tục PNPCA trước khi xây dựng kênh đào. Thủ tục PNPCA của MRC quy định rất rõ rằng không cho phép các quốc gia thực hiện một dự án trong khi quá trình tham vấn trước đang diễn ra.
Thêm nữa, trong hồ sơ dự án trình lên MRC, Campuchia cũng chưa thực hiện thủ tục EIA, vốn là yêu cầu bắt buộc đối với luật sử dụng nguồn nước quốc tế. Thực hiện EIA sẽ góp phần ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu các tác động xuyên biên giới nhằm đảm bảo công trình sử dụng nguồn nước giữ cho an toàn về môi trường.
EIA cũng sẽ là cơ sở để các quốc gia bị thiệt hại căn cứ vào đó mà yêu cầu quốc gia gây thiệt hại bồi thường theo nguyên tắc sử dụng nguồn nước không được gây hại cho quốc gia ven sông khác được quy định tại Điều 7 Hiệp định Mekong năm 1995.
Với những phân tích tôi đã nêu trên, vừa đứng ở góc độ quan hệ gắn bó, mật thiết giữa VN và Campuchia, vừa dưới lăng kính pháp luật, soi chiếu các quyền và nghĩa vụ của cả hai nước, tôi nghĩ Campuchia cần nhanh chóng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với VN, cung cấp thêm các thông tin cần thiết thông qua MRC nếu muốn triển khai dự án Funan Techo mang về hiệu quả cao, được sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
. Xin cảm ơn ông.•
Chuyên gia JAMES BORTON, Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ):
Cần thêm các nghiên cứu, đánh giá độc lập
Chìa khóa của hợp tác giữa các quốc gia ven sông chính là khoa học. Khoa học và chính sách phải giao nhau. Điều này có nghĩa là dữ liệu khoa học phải được chia sẻ giữa các nước láng giềng trên tuyến đường thủy xuyên biên giới của họ.
Trong trường hợp kênh đào Funan Techo, cần khuyến khích mời các nhà thủy văn hàng đầu từ Thái Lan, Campuchia, Lào và đặc biệt là VN góp phần thiết lập đường cơ sở và cơ sở dữ liệu.
Khi đó, điểm chung được tìm thấy trong việc đánh giá biến đổi khí hậu, chất lượng nước và hệ sinh thái. Nếu nhìn từ góc độ này, có thể thấy dự án kênh đào Funan Techo có thể là cơ hội hợp tác giữa các nhà khoa học và kỹ sư Campuchia, VN và cả các nước khác trong việc đánh giá kỹ lưỡng quy hoạch kênh đào.
Campuchia và VN đều có cơ hội bảo vệ Tonle Sap của Campuchia và ĐBSCL của VN thông qua những nỗ lực hợp tác quốc tế.
Ủy hội sông Mekong (MRC) nên tổ chức các hội thảo thường xuyên để tập hợp các chuyên gia về nước từ nhiều quốc gia. Chính sách tốt và quản lý hiệu quả tuyến đường thủy xuyên biên giới, như sông Mekong, cần có sự hợp tác để đối phó với nhiều thách thức ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, bất kỳ dự án thượng nguồn mới nào, dù đó là một con đập hay kênh đào dẫn nước từ sông Mekong, đều cần có những nghiên cứu độc lập. Một vấn đề cụ thể mà Trung tâm Stimson (Mỹ) chỉ ra trong báo cáo gần đây liên quan đến các lỗi thiết kế có thể xảy ra trong các âu tàu.
VN cần yêu cầu Campuchia có thêm các nghiên cứu độc lập về thiết kế, bảo trì và vận hành hệ thống âu tàu này. Các kỹ sư và nhà thủy văn học cần cung cấp báo cáo dữ liệu để đảm bảo rằng không có lượng nước lớn được chuyển từ dòng chính sông Mekong ra khu vực bên ngoài.
PGS-TS VŨ THANH CA, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội:
Các quốc gia sông Mekong cần thiện chí và hợp tác
Vấn đề hợp tác giải quyết việc sử dụng nước trên các lưu vực sông quốc tế là một vấn đề cực kỳ khó khăn và nhạy cảm.
Nhận thức rõ những thách thức liên quan đến vấn đề này, Liên hợp quốc đã nỗ lực xây dựng và thông qua Công ước New York 1997.
Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới chỉ mới có 38 quốc gia phê chuẩn công ước. Trong bốn quốc gia thành viên của MRC quốc tế, mới chỉ có VN phê chuẩn và là thành viên của công ước.
Các quốc gia là thành viên của công ước có nghĩa vụ phải tuân thủ công ước và sử dụng công ước như là một công cụ luật pháp quốc tế để đàm phán, đưa ra những thỏa thuận tốt nhất nhằm đảm bảo chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trong sử dụng nguồn nước từ các con sông quốc tế, đồng thời giảm thiểu các tác động môi trường, sinh thái, kinh tế - xã hội của các dự án sử dụng nước mà quốc gia đó thực hiện.
Với các quốc gia không tham gia công ước thì cần có những thỏa thuận khu vực được xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc của công ước.
Trong bối cảnh hiện nay liên quan đến kênh đào Funan Techo, Hiệp định Mekong năm 1995 và năm bộ quy tắc về sử dụng nước của MRC quốc tế là một thắng lợi rất lớn của các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong thực hiện các nguyên tắc đảm bảo chủ quyền quốc gia, công bằng, bình đẳng, bảo vệ môi trường, sinh thái, sinh kế của người dân và phát triển bền vững.
Như vậy, việc đẩy mạnh thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch Hiệp định Mekong năm 1995 và các bộ quy tắc về sử dụng nước của MRC quốc tế là giải pháp tốt nhất. Cần nhấn mạnh lại rằng thực thi luật pháp quốc tế về môi trường nói chung cần thiện chí của tất cả quốc gia liên quan.
Chuyên gia BRIAN EYLER, Trung tâm Stimson (Mỹ):
Tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế
Không cần thiết phải xem xét hoặc thay đổi Hiệp định Mekong năm 1995 mà điều quan trọng là các quốc gia thành viên MRC tuân thủ các quy tắc mà họ đã đồng ý từ 30 năm trước.
Tất cả chính phủ thành viên MRC cần tăng cường sự chủ động đánh giá rủi ro và yêu cầu các quốc gia thành viên khác phải chịu trách nhiệm tuân thủ Hiệp định Mekong năm 1995; nếu không thì nguồn tài nguyên tự nhiên của sông Mekong sẽ suy giảm với tốc độ nhanh hơn so với hiện tại.
Các đối tác phát triển bên ngoài như Mỹ, Úc đưa ra các khoản đầu tư viện trợ song phương của họ trong khu vực dựa trên giả định rằng các quốc gia thành viên MRC sẽ yêu cầu nhau tuân thủ Hiệp định Mekong năm 1995.
Tôi tin rằng nếu các đối tác phát triển nhìn thấy hành vi không tuân thủ hiệp định, họ sẽ giảm hỗ trợ đầu tư song phương cho các vấn đề môi trường và nguồn nước liên quan đến sông Mekong.