LTS: Thông điệp nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam (VN) đã được Chính phủ VN khẳng định nhiều lần: VN luôn rất coi trọng quan hệ với Campuchia, đồng thời “rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng” của nước bạn, trong đó có dự án kênh đào Funan Techo (hay còn gọi là Phù Nam Techo) trên sông Mekong, dựa trên tinh thần của các quy định pháp lý quốc tế.
Tuy nhiên, việc đánh giá tác động của dự án này đối với môi trường và đời sống - dân sinh của hàng triệu dân hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần được thảo luận. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết “Thảo luận thêm về kênh đào Funan Techo”. Bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề nói trên dưới lăng kính pháp lý quốc tế, cũng như qua góc nhìn khoa học về kinh tế - xã hội, sinh kế, môi trường; từ đó đề ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác của VN - Campuchia trong việc khai thác sông Mekong phục vụ phát triển bền vững.
Vềkênh đào Funan Techo, việc Campuchia bước đầu đã cung cấp thông tin về dự án đến Ủy hội sông Mekong (MRC) là động thái rất được hoan nghênh. Thế nhưng, với những con sông chảy qua nhiều nước, việc quản trị và phát triển các dự án lớn như Funan Techo sẽ rất phức tạp, đòi hỏi các quốc gia cùng ngồi lại thảo luận thận trọng dựa trên nghĩa vụ và tinh thần thiện chí chia sẻ thông tin đầy đủ, khoa học, minh bạch theo quy định của luật quốc tế.
Khi có đủ thông tin, hiệu quả của con kênh sẽ trở nên tối ưu, trong khi rủi ro với khu vực bị ảnh hưởng sẽ tối thiểu hóa với cả Campuchia và các nước.
Đầu tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun đã đến thăm VN nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tiếp ông Neth Savoeun, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định luôn dành ưu tiên cao cho việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Campuchia trên cơ sở đoàn kết, hữu nghị và tôn trọng lợi ích của nhau.
Cũng dịp này, Thủ tướng khẳng định VN mong muốn cùng với Campuchia và nước thành viên lưu vực sông Mekong tăng cường hợp tác trong các hoạt động sử dụng, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững dòng sông Mekong trên cơ sở Hiệp định Mekong năm 1995 và các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Funan Techo dưới các hệ quy chiếu pháp lý
. Phóng viên: Khi nói về kênh đào Funan Techo, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các quy định pháp luật nào điều chỉnh việc xây dựng, vận hành dự án này?
+ Chuyên gia Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Năng lượng, nước và bền vững thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ): Hiệp định Mekong năm 1995 vạch ra rõ ràng các tiến trình liên quan đến việc phát triển đập, kênh rạch hoặc các dự án khác ở sông Mekong. Các quốc gia thành viên MRC gồm VN, Lào, Campuchia và Thái Lan phải thông báo trước cho ủy hội về bất kỳ dự án nào làm thay đổi dòng chảy dòng chính hoặc phụ lưu của sông Mekong.
Nếu dự án nằm trên dòng chính và chuyển dòng nước dòng chính từ lưu vực sông Mekong sang lưu vực khác hoặc thay đổi dòng chảy dòng chính cho các mục đích sử dụng khác trong lưu vực sông Mekong thì dự án phải được tham vấn trước. Kênh đào Funan Techo nối hai luồng sông Mekong (sông Tiền và sông Hậu) tới các cửa sông ven biển trong vịnh Thái Lan nằm ngoài lưu vực sông Mekong. Do đó, kênh đáp ứng cả hai điều kiện (chuyển hướng và sử dụng trong lưu vực) và do đó, dự án Funan Techo chắc chắn phải được tham vấn trước.
+ PGS-TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Cùng với Hiệp định Mekong năm 1995, Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy (Công ước New York 1997) là những điều ước quốc tế quan trọng nhất điều chỉnh việc sử dụng nguồn nước từ một con sông quốc tế như sông Mekong.
Tôi muốn lưu ý rằng: Mặc dù được thông qua trước Công ước New York 1997 nhưng Hiệp định Mekong đã được xây dựng trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về môi trường và đã tham khảo những nguyên tắc quan trọng nhất của Công ước New York. Vì vậy, hiệp định này giữ nguyên giá trị sau khi Công ước New York 1997 ra đời.
Để thực hiện Hiệp định Mekong, năm bộ quy tắc về sử dụng nước của MRC, bao gồm Thủ tục chất lượng nước, thủ tục trao đổi và chia sẻ thông tin số liệu, thủ tục giám sát sử dụng nước, thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính và thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận đã được xây dựng và thông qua vào tháng 11-2003. Trong đó, thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận là những thủ tục quan trọng để đảm bảo thực hiện các nguyên tắc của Hiệp định Mekong. Theo quy định của thủ tục này thì dự án kênh đào Funan Techo có sử dụng nước từ dòng chính sông Mekong (đoạn sông Tiền và sông Hậu) vào cả mùa mưa và mùa khô nên phải trải qua quy trình tham vấn trước.
Một số băn khoăn và đề xuất hướng giải quyết
Đầu tiên, trong các bản thiết kế về kênh đào mà Ủy ban sông Mekong Campuchia (CNMC) nộp cho MRC vào ngày 8-8-2023, CNMC xác định dự án kênh đào Funan Techo là dự án “dòng nhánh” hay “phụ lưu”, trong khi đó kênh này có sử dụng nước từ dòng chính của sông Mekong (đoạn sông Tiền và sông Hậu - PV). Chính vì ngay từ đầu CNMC đã xác định chưa chính xác về hình thức của dự án nên MRC chưa thể tham gia ở mức độ tham vấn phù hợp.
Do đó, các bên liên quan cần thuyết phục CNMC thay đổi thông báo về thiết kế dự án từ “phụ lưu” sang “dòng chính” để có thể kích hoạt quá trình thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước bắt buộc đối với các dự án dòng chính. Đã có tiền lệ như vậy vào năm 2013 khi Ủy ban Quốc gia Mekong thay đổi phần xác định thiết kế dự án từ “dòng nhánh” thành “dòng chính”.
Thứ hai, theo thông báo CNMC gửi MRC, dự án sẽ “không có tác động đáng kể đến dòng chảy hằng ngày và lượng dòng chảy hằng năm của hệ thống sông Mekong”. Điều này nhờ vào các hệ thống âu tàu ngăn nước chảy từ dòng chính sông Mekong sang khu vực khác. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Stimson, kênh đào Funan Techo có khả năng chuyển nước từ lưu vực sông Mekong đến các cửa sông ven biển ở Campuchia bên ngoài lưu vực sông Mekong và vào vịnh Thái Lan. Điều này được coi là sự chuyển dòng giữa các lưu vực. Theo Hiệp định Mekong, các dự án chuyển dòng ra ngoài lưu vực đều phải được tham vấn trước của MRC. Do đó, các bên liên quan nên đề nghị Campuchia cung cấp thêm thông tin về thiết kế, bảo trì, vận hành và thời gian dự kiến các âu tàu đi vào hoạt động nhằm đảm bảo không có sự chuyển nước đáng kể từ dòng chính sông Mekong.
Thứ ba, báo cáo của Trung tâm Stimson cũng chỉ ra thông báo phía Campuchia gửi MRC chưa đề cập thông tin về việc liệu nước này có sử dụng kênh đào Funan Techo cho mục đích thủy lợi hay không, trong khi lãnh đạo Campuchia nhiều lần đề cập đến lợi ích thủy lợi của kênh đào Funan Techo. Hiệp định Mekong quy định việc sử dụng dòng chính vào mùa khô trong lưu vực sông phải được tham vấn trước của MRC và cũng là thỏa thuận giữa các nước thành viên MRC.
Thứ tư, CNMC chưa làm rõ chiều cao chi tiết của việc xây dựng/tái cấu trúc các con đê của kênh đào Funan Techo. Chiều cao của đê có thể gây ra ảnh hưởng đến lượng nước lũ tự nhiên đổ về vùng hạ nguồn, bao gồm ĐBSCL ở VN. Nếu biết được độ cao, vị trí và thiết kế cụ thể của đê của con kênh thì có thể lập mô hình và xác định các tác động của dự án đến lượng nước đổ về các khu vực liên quan. Thông báo của CNMC chưa đề cập đến vấn đề này.
(Trích dẫn báo cáo “Tác động của kênh đào Funan Techo và hàm ý đối với hợp tác sông Mekong” do Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Mỹ) công bố hôm 9-5)
Những thông tin cần làm rõ
. Trong khi Campuchia tuyên bố đã làm tròn nghĩa vụ cung cấp đủ thông tin và tham vấn về Funan Techo, còn phía VN và một số cơ quan quốc tế cho rằng thông tin vẫn còn thiếu nên chưa thể dự báo tác động môi trường. Chiếu theo pháp lý, Campuchia phải cung cấp đầy đủ các thông tin nào?
+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Hiệp định Mekong năm 1995 chưa quy định cụ thể về các số liệu mà quốc gia sử dụng nước cần thông báo cho các quốc gia liên quan. Tuy nhiên, mặc dù Campuchia chưa phê chuẩn Công ước New York 1997, yêu cầu cung cấp số liệu của công ước này cũng như một số quy định trong các luật pháp quốc tế về môi trường khác có thể là tài liệu tham khảo để VN yêu cầu Campuchia và MRC cung cấp các số liệu cần thiết về kênh đào này để phục vụ đánh giá tác động của dự án kênh đào tới môi trường, sinh thái của VN.
Các thông tin này bao gồm: (1) Các số liệu về điều kiện tự nhiên như thủy văn, khí hậu, thủy thạch, môi trường…; (2) Các nhu cầu về kinh tế - xã hội của dự án; (3) Các số liệu, chi tiết kỹ thuật và công nghệ về thiết kế, thi công và vận hành kênh đào; (4) Tác động của dự án tới tài nguyên nước, môi trường sinh thái của sông Mekong, đặc biệt là tới khu vực hạ nguồn của dự án; (5) Các giải pháp bảo tồn và phát triển để giảm thiểu tác động của dự án cũng như giá thành của các giải pháp; (6) Khả năng có được những giải pháp thay thế để phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế của người dân mà không cần thực hiện dự án này.
Trong đó, quy trình thông báo yêu cầu quốc gia đề xuất dự án phải thông báo chi tiết nội dung dự án cho các quốc gia thành viên khác trước khi quốc gia đó thực hiện sử dụng nước theo đề xuất để các quốc gia được thông báo đánh giá bất kỳ tác động xuyên biên giới tiềm tàng nào của dự án có thể gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, sinh kế của người dân và đưa ra các kiến nghị về biện pháp giảm thiểu tác động trước khi thực hiện sử dụng nước theo đề xuất.
+ Chuyên gia Brian Eyler: Khi MRC tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tham vấn trước, tất cả tài liệu dự án có liên quan như nghiên cứu tính khả thi, thiết kế phân tích chi phí - lợi ích, kế hoạch tái định cư... đều phải được trình lên MRC để phổ biến tới công chúng, tất cả quốc gia thành viên MRC và được đăng tải trên trang web của MRC.
MRC sẽ tiến hành đánh giá chuyên môn qua bên thứ ba về dự án, kết quả sẽ được công bố và việc thảo luận về những kết quả này tại các hội thảo khu vực được tổ chức ở tất cả quốc gia lưu vực sông Mekong. Các hội thảo này được mở cửa cho công chúng và hoàn toàn minh bạch. Điều quan trọng là mỗi khi MRC tiến hành quá trình tham vấn trước, dự án sẽ được cải thiện và các tác động đến môi trường và xã hội của nó sẽ giảm xuống ở một mức độ nào đó.
Dự án cũng cần đáp ứng các điều kiện được nêu trong Hiệp định Mekong năm 1995, trong đó các nước thành viên phải xây dựng thỏa thuận cụ thể về sử dụng nước trước khi xây dựng dự án. Điều này là vì kênh đào Funan Techo có thể sử dụng nước từ dòng chính sông Mekong để tưới tiêu vào mùa khô. Cho đến nay, tài liệu thông báo của Campuchia không đề cập đến việc sử dụng nước trong mùa khô cho mục đích tưới tiêu nhưng lãnh đạo Campuchia đã nhiều lần nêu ý định sử dụng kênh đào cho mục đích này. Thực tế này cũng đặt ra một số thách thức đối với các quy trình của MRC.
. Xin cảm ơn các chuyên gia.•
Các nước cần tuân thủ nghiêm Hiệp định Mekong năm 1995
Trước khi biết đến dự án kênh đào Funan Techo, dư luận quốc tế từng rất nhiều lần cảnh báo việc xây dựng các công trình nhân tạo, nhất là các đập thủy điện nhằm khai thác lợi ích kinh tế trên sông Mekong nếu không được đánh giá một cách thận trọng về tác động môi trường, có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng, đặc biệt là với môi trường.
Việt Nam sẵn sàng hợp tác để sử dụng hiệu quả sông Mekong
Mekong là dòng sông chung xuyên biên giới và chảy qua nhiều quốc gia. Là quốc gia hạ nguồn dòng sông Mekong, VN rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và khả năng tích nước của các công trình thủy điện trên sông Mekong.
Chúng tôi nhiều lần nói rõ việc phát triển, vận hành các công trình thủy điện trên sông Mekong cần đảm bảo không tác động tiêu cực, gồm cả tác động xuyên biên giới đến môi trường, kinh tế - xã hội của các nước trên khu vực sông Mekong, nhất là các nước hạ nguồn và phải phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế.
VN mong muốn và sẵn sàng cùng các nước liên quan tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước sông Mekong vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong lưu vực.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐOÀN KHẮC VIỆT phát biểu tại buổi họp báo
Bộ Ngoại giao ngày 23-5
Nhìn lại hiện trạng sông Mekong
PGS-TS Stefano Galelli, chuyên gia kỹ thuật xây dựng dân dụng và môi trường tại ĐH Cornell (Mỹ), nhận xét với Pháp Luật TP.HCM rằng đã có hàng trăm con đập được xây dựng trong khoảng hai thập niên qua ở thượng nguồn sông Mekong. Rất khó để chứng minh tất cả thiệt hại kinh tế do các con đập gây ra nhưng những tác động về môi trường thì chắc chắn có thể xác định được.
Sự hiện diện của các con đập ngăn làm hạn chế việc dịch chuyển phù sa trên con sông từ thượng nguồn xuống các khu vực hạ lưu. Điều này có tác động rất lớn đến địa hình của dòng sông và đặc biệt là vùng đồng bằng, điển hình là tình trạng sụt lún, sạt lở và nước biển dâng cao, từ đó có thể gây hiện tượng nhiễm mặn. Ngoài ra, thiếu hụt phù sa cũng tác động xấu đến ngành thủy sản, nông nghiệp.
“Chắc chắn có thể xác định được các tác động môi trường liên quan đến hệ sinh thái ven sông, nghề cá, đồng bằng sông và tất nhiên là tất cả cộng đồng người dân đang sống phụ thuộc vào dòng sông” - ông Stefano Galelli cho biết.
Cùng quan điểm này, chuyên gia James Borton của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cũng nói với Pháp Luật TP.HCM rằng các bằng chứng khoa học hiện nay chỉ ra rằng các con đập ở thượng nguồn đang gây ra thiệt hại đối với hệ sinh thái, đe dọa sinh kế của những nông dân canh tác dọc theo sông. Kể từ năm 2010, khu vực này phải hứng chịu những đợt hạn hán kỷ lục, thường tái diễn bốn năm một lần.
“Ngoài ra, các dự báo về biến đổi khí hậu cũng cho thấy mức độ xáo trộn đáng kể trong các hiện tượng gió mùa truyền thống, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng như hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn thường xuyên hơn” - ông James Borton cho biết thêm, đồng thời lưu ý việc xây dựng kênh đào Funan Techo của Campuchia, nếu chúng ta không có đầy đủ thông tin, từ đó không đánh giá một cách đầy đủ và thận trọng các tác động môi trường, cũng như có các phương án quản trị rủi ro hiệu quả thì có thể góp phần làm trầm trọng thêm những vấn đề về nguồn nước và môi trường sinh thái.
Cần tuân thủ nghiêm Hiệp định Mekong
Trước những khó khăn trên sông Mekong, các quốc gia thành viên MRC, đặc biệt là Việt Nam (VN), cùng các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế cùng với giới quan sát luôn kêu gọi cách tiếp cận “thượng tôn pháp luật” để vừa đảm bảo lợi ích của mỗi quốc gia thành viên, vừa đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực.
Để làm được điều đó, chuyên gia Stefano Galelli khuyến nghị cần xây dựng và thực thi hiệu quả kế hoạch quản trị nguồn nước. Đầu tiên, các nước cần có khuôn khổ pháp lý quy định các lợi ích và mục tiêu chung giữa tất cả quốc gia. Ví dụ như sông Danube và sông Rhine (châu Âu) đã được quản lý bởi các thỏa thuận đa phương và các hình thức quản lý quốc tế khác nhau.
Tuy nhiên, điều cực kỳ quan trọng đó là các quốc gia phải tuân thủ nghiêm các khuôn khổ pháp lý đã được đề ra. Điều này không phải lúc nào cũng được các quốc gia thực hiện hiệu quả. Đối với sông Mekong, việc cho ra đời Hiệp định Mekong năm 1995 cũng như thành lập MRC là một cột mốc quan trọng. Đây là khuôn khổ pháp lý, trong đó các quốc gia thành viên sông có thể hợp tác để phát triển. Vấn đề cốt lõi còn lại đó là các quốc gia thành viên MRC phải có tinh thần hợp tác và tuân thủ nghiêm hiệp định nói trên.•