Kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng, lợi nhiều hơn hại

(PLO)- Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc kéo dài thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng là cần thiết, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế…

Chiều 24-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội.

Về lý do cần thiết của việc tiếp tục thực hiện chính sách trên, ông Phớc cho hay dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, là thách thức với nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người dân.

Chính vì vậy lúc này cần có các chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhất là chính sách về thuế, một trong những giải pháp được nhiều nước áp dụng thành công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Tại Việt Nam, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết 43/2022/QH15 trong 11 tháng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 44,5 nghìn tỉ đồng. Chính sách đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

“Khi thực hiện giảm thuế VAT theo Nghị quyết 43 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế VAT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ” - Bộ trưởng Tài chính thông tin.

Vị bộ trưởng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách này để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là cần thiết.

Ông Phớc cho hay nếu kéo dài thời gian thực hiện chính sách này trong sáu tháng cuối năm 2023 thì dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước là khoảng 24.000 tỉ. Khoản này Chính phủ có thể bù đắp bằng các giải pháp quản lý chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, tiết kiệm chi thường xuyên.

Đổi lại, việc triển khai chính sách sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

Đặc biệt chính sách sẽ giúp người dân giảm chi phí khi tiêu dùng, còn doanh nghiệp thì được nhận thêm trợ lực để tăng khả năng phục hồi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Trình bày báo cáo thẩm tra về chính sách này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cho hay, tờ trình của Chính phủ đã đề cập một số biện pháp để khắc phục và bù đắp các tác động giảm thu ngân sách 2023, tuy nhiên các biện pháp này tập trung chủ yếu vào công tác quản lý.

“Trong bối cảnh tình hình kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này…” - ông Mạnh nói.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách, một số ý kiến cho rằng việc thực hiện chính sách trong sáu tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để phát huy tác dụng, làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra.

“Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả” - ông Mạnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới