Sáng 20-8, TP.HCM tổ chức Hội thảo chuyên đề về quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM.
Sau phiên đánh giá quy hoạch, góp ý của các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu, hội thảo chuyển qua phiên thảo luận.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi cùng các địa phương và chuyên gia. Ảnh: ĐT. |
Tại đây, hội thảo tiếp tục nhận được ý kiến góp ý từ các chuyên gia, đặc biệt là những đóng góp tích cực từ các tỉnh như Đồng Nai, Long An.
Sớm kết nối cầu Cát Lái, đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm
Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết TP.HCM và Đồng Nai hiện đang được kết nối vùng theo ba phương thức đường bộ, đường thuỷ và đường sắt.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị sớm kết nối cầu Cát Lái. Ảnh: BẢO PHƯƠNG. |
Tỉnh Đồng Nai rất đồng thuận với các hướng quy hoạch của TP.HCM. Sắp tới, TP.HCM sẽ có nhiều điểm cầu kết nối hai địa phương, Đồng Nai kiến nghị sớm kết nối với vành đai 3 (khoảng 15km) và tiếp tục nghiên cứu để kết nối nhiều điểm khác.
Tuy nhiên, một số điểm đã đưa vào quy hoạch rất lâu như cầu Cát Lái song đến nay vẫn chưa thực hiện. Đồng Nai rất mong thời gian tới hai địa phương sớm kết nối dự án này.
Tương tự, tuyến đường sắt nhẹ kết nối Thủ Thiêm - sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay Long Thành đã được bàn thảo, dự án này sẽ góp phần kết nối, giảm ùn tắc cho các tuyến đường hiện hữu.
Vì vậy, tỉnh Đồng Nai mong sân bay Long Thành sớm hoàn thành thì đường sắt nhẹ cũng đi vào hoạt động ngay.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhận định các quy hoạch cũng đã rất sâu và sát với TP.HCM và Long An. Quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An mong muốn kết nối giao thông nhiều vị trí với TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG. |
Hai địa phương đã có nhiều sự kết nối, mang lại hiệu quả cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua với các tuyến đường tỉnh lộ 7, 8, 9, 10 và tuyến đường thủy nội địa như phà Cần Giờ.
Tương tự, vận tải đường bộ cũng đã xây dựng quy chế phối hợp với 27 điểm kết nối giao thông cần triển khai.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một dự án chưa khớp nối, tỉnh Long An mong muốn TP.HCM sớm điều chỉnh để dự án 823D được kết nối với TP.HCM. Bởi lẽ hiện nay hướng tuyến của hai dự án ở TP.HCM và Long An đang bị "lạc nhau". Theo đó, TP.HCM cần điều chỉnh hướng đi để sớm kết nối và phát huy hiệu quả giữa Long An - TP.HCM.
Trả lời về góp ý của tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết 2 địa phương đã phối hợp nhiều lần và trong tháng này sẽ ngồi lại với nhau để chọn vị trí xây dựng cầu Cát Lái.
Hai địa phương cần thống nhất một điểm để triển khai và thêm một số điểm kết nối khác để cùng hoàn thành trong thời gian tới.
Giao thông vận tải là trụ cột phát triển kinh tế
Ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT thay mặt Bộ GTVT đánh giá cao về buổi hội thảo do TP.HCM tổ chức. Ông Tuấn cho hay TP.HCM có vai trò quan trọng về kinh tế - chính trị - xã hội trong cả nước và khu vực Đông Nam Á. Theo đó, việc định hướng, quy hoạch giao thông là vô cùng quan trọng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đánh giá tầm quan trọng của giao thông trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và cả vùng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG. |
TP.HCM là địa phương có đầy đủ 5 phương thức giao thông, đều là các phương thức lớn. Đối với đường bộ, đây là khu vực có giao thông lớn nhất của Đông Nam bộ.
Giao thông vận tải là trụ cột để phát triển kinh tế TP.HCM nên quy hoạch giao thông cần sớm thực hiện và cần đưa ra những quy hoạch dài hạn.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết trong giai đoạn tới TP.HCM chỉ đạo các sở ngành phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để cập nhật các định hướng quy hoạch của quốc gia vào quy hoạch GTVT TP.HCM.
Từ đó hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ giữa các phương thức, loại hình vận tải. Đây cũng là tiền đề, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng nói chung và cho TP.HCM nói riêng.
Quy hoạch GTVT của TP.HCM cần có giải pháp cụ thể hóa theo hướng năng lượng xanh và coi đó là vấn đề trọng tâm.
Song song là đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào thiết kế; xây dựng các tuyến phố đi bộ, khuyến khích cộng đồng tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải công cộng.
Bên cạnh đó, TP cũng cần xây dựng lộ trình phù hợp để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện đại, chuyển đổi phương tiện giao thông theo hướng xanh, bền vững.
Đặc biệt, chính sách huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng là yếu tố quan trọng. TP rất cần cơ quan đầu mối xây dựng và các Bộ ngành cơ quan trung ương quyết liệt tham gia có thể giai đoạn đầu là thí điểm.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở GTVT TP.HCM tổng hợp và phối hợp với các sở, ngành để cập nhật tất cả các góp ý để tiến hành cập nhật vào quy hoạch chung cho TP.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng vấn đề liên kết vùng luôn được TP.HCM đặt lên hàng đầu. Ảnh: BẢO PHƯƠNG. |
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng nhận định hội thảo hôm nay vẫn chưa được chú trọng vào ngành vận tải.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM luôn coi giao thông TP luôn đặt trong vùng. Theo đó, TP.HCM rất mong nhận được các ý kiến góp ý của các tỉnh thành, chuyên gia.
"Thời gian qua, các dự án đạt được còn ít, song nếu không có sự nghiên cứu về mặt thể chế thì thời gian tới các dự án sẽ bị chậm.
Tương tự, vấn đề liên kết vùng luôn được TP.HCM đặt lên hàng đầu. Liên kết vùng sẽ mở ra không gian phát triển cho TP. Từ đó đưa TP và các địa phương trở thành đầu tàu kinh tế hàng đầu cả nước. TP rất mong muốn liên kết vùng, mong muốn được làm tốt bằng cả trách nhiệm của mình.
Để đạt được thì cần có sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương, các địa phương để chúng ta thực hiện liên kết vùng nhanh chóng, và thực hiện tốt.
Để kết nối giao thông được thông suốt thì chúng ta cũng cần kết nối với nhau từ tư duy, tình cảm... lúc này giao thông cũng sẽ kết nối một cách hiệu quả" - Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian vừa qua người dân có phản ánh nhiều vấn đề ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước phản ánh của người dân, TP đã chủ động phối hợp và tạo được nhiều chuyển biến tích cực ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Vấn đề đặt ra là cần sớm xây dựng nhà ga T3, sắp xếp lại luồng tuyến và phương thức quản trị nội bộ.
Qua đây, TP đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo để sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động làm sao tốt nhất, phục vụ người dân được tốt nhất.