TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Định trong vụ Lê Văn Huy (giám đốc Công ty TNHH Tân Dung Huy) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là một vụ án có dấu hiệu oan mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh.
Liên tục kêu oan
Trước đó, tháng 12-2016, TAND tỉnh Bình Định xử sơ thẩm đã phạt bị cáo Huy chín năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 5-2012, vợ chồng bị cáo Huy vay 2 tỉ đồng của bà Nguyễn Thị Kim Thoa (ngụ TP Quy Nhơn) để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tháng 1-2013, Công ty Tân Dung Huy của bị cáo Huy vay Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Phú Tài 4,6 tỉ đồng và thế chấp bằng dự án nhà máy kỹ nghệ gỗ - hoàn thiện gỗ nội thất - ngoài trời tại Khu công nghiệp Phú Tài với tài sản hình thành trong tương lai.
Cuối năm 2013, khi bà Thoa đòi nợ, bị cáo Huy nói công ty đang gặp khó khăn, nhờ bà Thoa tìm giúp người để vay 2 tỉ đồng trả nợ. Sáng 10-1-2014, bà Thoa dẫn ông Nguyễn Ngọc Bình (chuyên làm nghề cho vay) đến Công ty Tân Dung Huy bàn chuyện cho vay tiền. Ông Bình hứa cho Công ty Tân Dung Huy vay 2 tỉ đồng và yêu cầu thế chấp bằng giấy tờ nhà xưởng của công ty.
Chiều cùng ngày, ông Bình yêu cầu Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bình Định soạn thảo, công chứng hợp đồng thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của Công ty Tân Dung Huy. Ngoài ra, ông Bình còn yêu cầu công chứng hợp đồng bị cáo Huy ủy quyền cho ông được chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp tài sản ghi trong hợp đồng thế chấp trong thời hạn hai năm. Sau đó một phụ nữ (sống chung như vợ chồng với ông Bình) đến nhà bà Thoa giao cho bà này 2 tỉ đồng để cấn trừ nợ của vợ chồng bị cáo Huy.
Bản án sơ thẩm xác định hai hợp đồng trên là vô hiệu, việc công chứng là trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm cho rằng việc bị cáo Huy cung cấp các tài liệu cho công chứng viên để soạn thảo hợp đồng, ký vào hai hợp đồng là nhằm thực hiện mục đích sử dụng một tài sản để thế chấp cho hai lần vay khác nhau (vay ngân hàng và vay ông Bình - NV) nhằm chiếm đoạt tài sản.
Suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Huy một mực kêu oan rằng không có ý định và hành vi lừa đảo. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo kháng cáo kêu oan. Phía người bị hại cũng kháng cáo đề nghị xem xét trách nhiệm của Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bình Định trong việc công chứng các hợp đồng.
Bị cáo Lê Văn Huy tiếp tục kêu oan tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: TẤN LỘC
Có dấu hiệu hình sự hóa
Xử phúc thẩm mới đây, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đặt vấn đề: Bị cáo Huy là giám đốc doanh nghiệp, thực hiện nhiều hoạt động nhằm mục đích huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, có vi phạm pháp luật trong quá trình huy động vốn nhưng vi phạm ở mức độ nào, hình sự hay dân sự? Trong khi đó, chính sách hình sự của nước ta trong giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay là không hình sự hóa quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.
Theo tòa phúc thẩm, tổng tài sản thế chấp của Công ty Tân Dung Huy có thể thế chấp để trả cả hai khoản nợ của ngân hàng và của ông Bình cộng lại. Do đó, theo khoản 1 Điều 324 BLDS 2005, bị cáo Huy có thể dùng tài sản để đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ. Tòa phúc thẩm cho rằng cần làm rõ bị cáo Huy có mục đích chiếm đoạt tài sản hay không vì tài sản thế chấp có thể trả được các khoản nợ và đã được thế chấp công khai. Tòa sơ thẩm chưa đánh giá được bản chất hành vi của bị cáo Huy là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản hay là dùng một tài sản để bảo đảm nghĩa vụ cho nhiều khoản vay. Tòa phúc thẩm xác định bằng chứng là bị cáo Huy vẫn trả tiền gốc cùng lãi, tài sản thế chấp nếu thanh lý vẫn thanh toán được cho cả ngân hàng lẫn ông Bình. Mặt khác, công ty của bị cáo Huy vẫn đang hoạt động bình thường.
Cũng theo tòa phúc thẩm, cả hai hợp đồng thế chấp giữa bị cáo Huy với ngân hàng và giữa bị cáo Huy với ông Bình đều được thực hiện thông qua cơ quan có thẩm quyền chứng thực là Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định và Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bình Định. Việc thế chấp này được tiến hành công khai, được cơ quan chức năng xác thực tính pháp lý trước khi thực hiện. Hồ sơ vụ án cũng chưa thể hiện rõ vì sao bị cáo Huy có thể qua mặt được thủ tục công chứng đối với tài sản đã được thế chấp tại ngân hàng và việc thế chấp này được Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định xác nhận. Như vậy, hành vi này có phải là thủ đoạn gian dối không vì theo quy định thì một tài sản thế chấp hai lần sẽ bị công chứng phát hiện, ngăn chặn?
Cạnh đó, tòa phúc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm nhận định bị cáo Huy lừa dối ông Bình nên hợp đồng vay tài sản vô hiệu nhưng phần quyết định lại tuyên trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của Công ty Tân Dung Huy cho ngân hàng là trái quy định pháp luật. Trong trường hợp vô hiệu thì bắt buộc phải hủy hợp đồng công chứng thế chấp tài sản giữa bị cáo Huy và ông Bình, đồng thời xử lý hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 131 BLDS 2015 mới đúng pháp luật.
Ngoài ra, tòa phúc thẩm còn nhận định: Nếu đúng như lời khai của nhân chứng là khi vay tiền, bị cáo Huy có báo với ông Bình là tài sản đã được thế chấp cho ngân hàng thì không có thủ đoạn gian dối mà chỉ là một tài sản thế chấp nhiều khoản nợ khác nhau nhưng người thế chấp có hành vi vi phạm trong quy trình thế chấp tài sản. Tuy nhiên, lời khai này chưa được đối chất.
Từ những phân tích và nhận định trên, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Huy, yêu cầu điều tra, xét xử lại từ đầu để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bỏ lọt người tham gia tố tụng Về thủ tục tố tụng, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng tòa sơ thẩm không đưa Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bình Định và Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư của bị cáo Huy nhiều lần đề nghị HĐXX đưa Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bình Định vào tham gia tố tụng nhưng HĐXX không chấp nhận. |