Khả năng mây phóng xạ về Việt Nam rất thấp

Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lại cho rằng khả năng bụi và mây phóng xạ xuất hiện ở nước ta trong vài ngày tới là rất thấp.

Phông bức xạ môi trường không ảnh hưởng đến sức khỏe

Ngày 24-3 trả lời PV về mức độ ảnh hưởng của mây phóng xạ khi xuất hiện ở nước ta, ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, khẳng định: Theo đánh giá sơ bộ mức độ phóng xạ I-131, Cs-137 trong khối khí này rất nhỏ, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Kết quả đo mức phông bức xạ môi trường tại ba trạm quan trắc tại Hà Nội và Đà Lạt cũng như kết quả đo nồng độ các nhân phóng xạ trong bụi khí tại Đà Lạt tính đến ngày 24-3 cho thấy chưa có bất cứ một dị thường nào.

Trong khi đó, PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đưa ra giả thiết: Bản thân các đám mây phóng xạ cũng sẽ bị phân rã theo thời gian và loãng đi theo không gian. Tuy vậy, các trạm quan trắc của Việt Nam cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể cảnh báo sớm mức độ phóng xạ trong các đám mây khi chúng tới Việt Nam.

ông Tạ Văn Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thì phân tích về vị trí địa lý và hướng di chuyển của hoàn lưu gió nói: “Các khối không khí di chuyển từ từng thấp đến từng cao và từ phía tây sang phía đông, nên trong những ngày sắp tới, tro bụi và phóng xạ từ Nhật Bản khó có khả năng ảnh hưởng tới Việt Nam”.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Ông Ngô Công Khẩn, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo: “Người dân không nên hoang mang và nên nghe thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng. Chúng tôi đang kiểm soát được tình hình và sẽ có những thông báo mới nhất cho người dân về mức độ ảnh hưởng của phóng xạ từ Nhật đối với thực phẩm”. Ông cho biết Cục đã yêu cầu kiểm tra thực phẩm nhập từ Nhật Bản. Theo đó, những thực phẩm này phải có giấy chứng nhận về an toàn phóng xạ của Nhật Bản mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNN) đã yêu cầu Cục Thú y tăng cường kiểm tra dư lượng phóng xạ trong sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản nhập vào Việt Nam. Trong đó đặc biệt lưu ý tới năm cơ cơ sản xuất thủy sản và một cơ sở sản xuất thịt gia súc, gia cầm tại vùng Fukusima (vùng ảnh hưởng của sự cố hạt nhân).

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đang lên kế hoạch để phối hợp với Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thực hiện việc kiểm tra nhiễm xạ bề mặt (ngoài da, quần áo, đồ dùng cá nhân..) đối với tất cả người Việt Nam từ Nhật trở về. Các đơn vị của Bộ Y tế cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chuẩn bị đủ các thiết bị để đo và phát hiện tình trạng nhiễm xạ.

Dự kiến, trong ngày hôm nay, Bộ NN&PTNT sẽ họp với các bộ, ngành liên quan để có sự phối hợp chặt chẽ trong thông tin và kiểm soát tình hình.

Trong những ngày tới, các trạm quan trắc phóng xạ và phông bức xạ môi trường của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tiếp tục theo dõi liên tục để cung cấp thông tin kịp thời cho công chúng.

Còn tùy hướng gió, tốc độ gió

Ngày 24-3, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt -PGS-TS Nguyễn Nhị Điền cho biết dựa theo kết quả quan trắc của viện thì trong khoảng ngày 25 đến 26-3 nếu hướng gió không bị thay đổi thì các đám mây phóng xạ hạt nhân từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Nhật) sẽ di chuyển đến các vùng biển ngoài khơi các tỉnh phía Nam, sau đó sẽ di chuyển về vùng các tỉnh miền Tây.

Hướng di chuyển của đám mây phóng xạ về đến vùng biển ngoài khơi các địa phương TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu… còn tùy thuộc vào diễn biến của hướng gió, tốc độ gió. Tuy nhiên, đám mây có chứa phóng xạ này cũng có khả năng về vùng biển lân cận TP.HCM. Và đến lúc đó phải theo dõi chuyển biến hướng đi, tốc độ của gió mới biết đám mây mang theo phóng xạ có di chuyển vào đất liền hay không.

“Chúng tôi theo dõi sát diễn biến hướng đi của đám mây này nếu phát hiện phóng xạ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chúng tôi sẽ thông báo cho các cơ quan chức năng, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan phát ngôn chính thức để nhanh chóng phát đi cảnh báo tới người dân” -ông Điền nói.

PHONG ĐIỀN

HỒ VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới