Khả năng nhiễm khuẩn Salmonella cao nếu ăn đồ sống, bẩn

(PLO)- Salmonella group là tác nhân gây ngộ độc thực phẩm ở hàng trăm học sinh trường iSchool Nha Trang, khuẩn này tồn tại rất lâu trong các loại thịt sống, thịt bẩn, nước bẩn. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 21-11, ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa đã ký công văn khẩn thông báo kết luận công tác kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh công tác thu dung, chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang.

Theo đó, căn cứ kết quả kiểm tra, giám sát thu dung cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm của Đoàn Kiểm tra Sở Y tế, kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) của các bệnh viện cho thấy tác nhân gây bệnh là Salmonella group, chạy phần lớn kháng sinh. Ghi nhận một trường hợp kháng với các kháng sinh là Gentamicin, Amikacin, Tobramicin.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, cho biết có nhiều tác nhân gây nên ngộ độc thực phẩm nhưng chung quy vẫn là do vi khuẩn.

Theo BS, Salmonella là vi khuẩn được xếp trong những nguyên nhân thường gặp gây nên ngộ độc thực phẩm. Tại Việt Nam, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do khuẩn Salmonella. Điển hình năm 2018, khoảng 200 học sinh mầm non ở Đông Anh (Hà Nội) phải nhập viện hay năm 2019, hơn 50 người dân ở Hà Tĩnh bị ngộ độc cũng do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn này.

Nguyên nhân ngộ độc của hàng trăm học sinh là do vi khuẩn Salmonella group gây ra. Ảnh: XN
Nguyên nhân ngộ độc của hàng trăm học sinh là do vi khuẩn Salmonella group gây ra. Ảnh: XN

Khuẩn Salmonella có khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài tốt, đa số tồn tại rất lâu trong các loại thịt sống, thịt bẩn, trong môi trường nước bẩn và được nhân lên rất nhanh.

Khuẩn này bị huỷ trong vòng một giờ ở nhiệt độ 50 độ C hoặc trong vòng năm phút ở nhiệt độ 100 độ C. Chất sát khuẩn thông thường có thể tiêu diệt khuẩn Salmonella.

“Khuẩn Salmonella có thể lây qua đường tiêu hóa. Vi khuẩn này có trong thức ăn không sạch, không được nấu chín. Nếu ăn những đồ sống, bẩn, trộn gỏi sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn này.

Cách chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hay những vật dụng nhà bếp không sạch sẽ cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn này. Những đồ ăn như thịt, trứng, sữa không bảo quản kỹ vẫn dễ bị nhiễm khuẩn” - BS Khanh cho hay.

Theo đó, người bệnh sau khi nhiễm khuẩn, chỉ vài tiếng đã khởi phát bệnh. Khi nhiễm khuẩn này, người bệnh thường có các triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy, đau bụng,...

Người nhiễm khuẩn trung bình 72 tiếng sẽ khỏi bệnh. Trường hợp nhẹ hầu hết hồi phục mà không cần điều trị. Nhiễm khuẩn nặng có thể biến chứng xuất huyết tiêu hóa, nặng hơn nữa là bị viêm cơ tim, trụy tim mạch, viêm túi mật, viêm gan,…

Khi bị ngộ độc, người bệnh cần được bù nước, bù điện giải. Trường hợp trẻ em bị nặng chuyển qua nhiễm trùng huyết sẽ được chỉ định dùng kháng sinh.

“Rất may vi khuẩn Salmonella vẫn còn nhẹ, nếu là nhiễm khuẩn clostridium hay E. coli sẽ rất nặng. Tất cả đối tượng từ người lớn đến trẻ em đều có thể bị nhiễm khuẩn này nếu như ăn thức ăn sống. Tùy theo mức độ ăn đồ sống nhiều hay ít sẽ biểu hiện nặng hay nhẹ” - BS này cho biết.

Biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella là ăn chín uống sôi, ăn sạch uống sạch. Đặc biệt, đối với những nơi chế biến thức ăn số lượng lớn, cho nhiều người ăn phải có quy trình bảo quản thức ăn kỹ lưỡng. Những dụng cụ nhà bếp cũng phải được làm sạch để hạn chế nhiễm khuẩn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm