Khách bỏ chạy vì du lịch tăng giá vé khủng, có nơi tăng 50 lần

Wat Pho, ngôi chùa ở Bangkok thu hút trên 3 triệu lượt khách mỗi năm, đã tăng giá vé lên 200 baht (khoảng 150.000 đồng) vào cuối tháng 1-2019. Đây là lần tăng giá đầu tiên của ngôi chùa này trong bảy năm qua.

Khu di tích Angkor Wat của Campuchia tăng giá vé lên đến 37 USD trong năm 2017, tức tăng 85%. Trong khi đó, Indonesia cũng đang tính đến chuyện tăng phí khu du lịch Komodo National Park đối với du khách nước ngoài lên 500 USD – mức tăng 50 lần so với giá hiện nay.

Việc tăng giá nhằm bảo đảm cho ngành công nghiệp du lịch đủ sức tồn tại và đạt mức phát triển bền vững, tuy nhiên một số chuyên gia trong ngành lại nói rằng mức tăng giá này có thể đuổi khách đi. Du lịch là ngành công nghiệp trụ cột cho nhiều nền kinh tế Đông Nam Á, trung bình chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cá biệt con số này ở Thái Lan lên đến 20%.

Du lịch Đông Nam Á thường có giá rẻ hơn các nước phát triển, thu hút du khách thế giới và giúp ngành này tăng trưởng vượt bậc. Số du khách quốc tế đến 10 nước ASEAN đạt 125 triệu lượt khách, tăng 40% so với 5 năm trước đó. Con số này cũng chiếm khoảng 10% lượng du khách toàn cầu. Du khách từ Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ đã góp phần cho sự phát triển bùng nổ của du lịch Đông Nam Á.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng lại không đáp ứng nổi lưu lượng du khách quá lớn và môi trường thiên nhiên của khu vực đang chịu áp lực của du khách. Các nước trong khu vực buộc phải tăng giá để trang trải cho chi phí bảo tồn môi trường và xây dựng cơ sở hạ tầng để đón luồng du khách tăng nhanh.

 Bagan: Quần thể kiến trúc gồm 3.000 tháp và đền đài cổ ở Bagan, Myanmar. Ảnh: Song Hảo

Tunku Abdul Rahman Marine Park, khu sinh thái biển trên đảo Borneo của Malaysia, trong năm ngoái đã tăng phí bảo vệ môi trường đối với du khách nước ngoài từ 18 tuổi trở lên là 20 ringgit, khoảng 110.000 đồng.

Tháng 5-2018, chính quyền Myanmar đã quyết định mở trở lại khu di tích cổ Bagan với hơn 3.000 tháp và đền đài cổ xây bằng gạch và đá từ thế kỷ 12-13. Giá vé vẫn được giữ ở mức cũ là 15 euro, nhưng đây là sự tăng giá khủng khiếp. Trước đây, du khách mua vé được phép thăm và trèo lên các kiến trúc cổ này trong thời gian 5 ngày. Sau khi mở cửa, du khách chỉ được thăm… 5 kiến trúc cổ và thời gian rút ngắn xuống còn 3 ngày. Chính quyền Myanmar giải thích “đây là biện pháp bảo tồn các di tích cổ khi lượng khách đổ về quá đông”.

Tháng 11-2018, Thống đốc tỉnh East Nusa Tenggara – nơi có Komodo National Park -  công bố kế hoạch tăng giá vé của khu công viên quốc gia nổi tiếng này. Hiện giá vé là 10 USD và vị thống đốc nói rằng mức giá này quá rẻ đối với một điểm du lịch quốc tế. Tuy nhiên, một doanh nghiệp lữ hành địa phương đã lên tiếng rằng mức giá 500 USD sẽ khiến khách nước ngoài bỏ chạy.

Khu công viên này là nơi cư trú của loài rồng Komodo nổi tiếng và có một bãi biển cát hồng – đầy sức hút đối với du khách châu Âu và Hoa Kỳ.

Việc tăng giá quá cao giống như “đuổi cùng giết tận” con gà đẻ trứng vàng của Đông Nam Á vốn thu hút du khách trong vài thập niên qua với hai điểm mạnh chính: Giá cả dịch vụ vừa phải cộng với yếu tố thiên nhiên và văn hóa vô cùng quyến rũ. Các ý định tăng giá thường thất bại. Tại Việt Nam, ý định tăng giá 85% đối với các du thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long đã bị hủy bỏ khi các công ty lữ hành địa phương phản đối mạnh mẽ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm