Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Việt Sun Travel vừa có đơn gửi Ban hỗ trợ doanh nghiệp - Hiệp hội Du lịch TP.HCM nhờ kết nối với hãng hàng không giá rẻ để bảo lưu gần 1 tỉ đồng tiền cọc vé máy bay.
Theo bà Nguyễn Thu Thảo, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Sun Travel, ngay khi xảy ra dịch COVID-19, cuối tháng 1, 2 công ty bị 118 khách hủy tour trong nước và các điểm đến nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc,....Để đảm bảo uy tín với khách, công ty đã hoàn tiền, dời tour cho khách.
Sau đó, DN gửi công văn xin hàng không hoàn tiền huỷ vé nhưng được hãng phản hồi là các vé đoàn đã sử dụng, trong đó có khách hủy vé là việc xảy ra thông thường với đoàn nên hãng không hỗ trợ hoàn tiền vé.
“118 khách huỷ thì tiền vé công ty đã thanh toán cho hãng 425 triệu đồng. Trong điều kiện bình thường, nếu khách huỷ vé DN không năn nỉ hỗ trợ nhưng dịch bệnh DN khó khăn rất cần chia sẻ” - bà Thảo nói.
Khách đồng loạt huỷ tour và muốn hoàn 100% tiền khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành khó khăn.
Bên cạnh đó, theo hợp đồng hợp tác, công ty đã thanh toán hết tiền cọc vé máy bay chặng nội địa cả năm 2020 cho hãng này hơn ba tỉ đồng.
Do ảnh hưởng dịch COVID-19 từ đầu năm, Việt Nam hạn chế các chuyến bay nội địa nên DN không tổ chức được các tour trong tháng 2,3,4. Theo luật là DN sẽ mất cọc vé nhưng do dịch bệnh công ty xin hãng hoàn, bảo lưu tiền cọc. Số tiền đã cọc vé máy bay chặng nội địa từ tháng 2,3,4 là 940 triệu đồng. Tuy nhiên, hãng cho công ty chỉ được chuyển tiền cọc sang quý III, IV chứ không hỗ trợ hoàn huỷ vé.
Mặt khác, bà Thảo cho biết, công ty đã có công văn gửi hãng trình bày DN tạm ngưng hoạt động từ tháng 3 đến hết năm 2020. Do ảnh hưởng dịch COVID-19…nếu tiếp tục kinh doanh lỗ càng lỗ nên việc ngừng hoạt động là thiệt hại lớn đối với DN.
“Nay bước sang quý III, IV công ty đang đóng cửa, không thể tổ chức tour coi như mất gần một tỉ tiền cọc vé. Trong khi tiền cọc vé tháng 5,6…cho đến tháng 12-2020 công ty được hãng bảo lưu để sử dụng sau này. Vì sao cùng tiền cọc vé mà cách xử lý của hãng không đồng nhất” - bà Thảo bức xúc nói.
DN mong hiệp hội kết nối gặp được hãng hàng không để biết số tiền cọc trên được bảo lưu không. DN đã phải đóng cửa tạm dừng hoạt động, nếu phải mất số tiền cọc quá lớn là lực bất tòng tâm.
Dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng nhiều địa phương khác khách cũng huỷ đi du lịch
Liên quan đến “nỗi khổ” của DN lữ hành trong việc chôn vốn với phí cọc vé máy bay đặt theo series, ông Từ Quý Thành, Giám đốc công ty du lịch Liên Bang lý giải, DN lữ hành thường có số lượng khách lớn, cam kết ổn định nên hàng không có chính sách giá ưu đãi và để có chỗ ngồi tốt, giá rẻ, linh hoạt giờ bay…DN phải đặt cọc tiền vé trước và không lấy lại tiền cọc.
Chẳng hạn công ty đã đặt cọc 100 vé sẽ khởi hành trong tháng 7, 8 nhưng vì dịch COVID-19 nên khách huỷ tour. Đối với vé đã xuất, một số hãng hàng không chỉ cho DN một lần đổi, dời ngày bay, trong vòng 30 ngày hoặc ba tháng, tuỳ chặng.
Đối với vé chưa xuất, hàng không cho dời ba tháng sau hoặc đến cuối năm. Vì vậy, đến thời hạn này DN lữ hành buộc phải sử dụng hết vé đã đặt cọc tiền, nghĩa là DN lữ hành phải có đủ lượng khách mua tour. Nếu không đủ khách không tổ chức tour được DN xem như mất tiền cọc.
Thêm nữa, nếu sau khi dời ngày bay, hàng không sẽ áp dụng giá vé tại thời điểm khởi hành.
Chẳng hạn, chặng bay TP.HCM - Phú Quốc là 2,5 triệu đồng, công ty đặt cọc trước 1 triệu đồng, đến ngày xuất vé khởi hành sẽ trả thêm 1,5 triệu đồng.
Sau khi dời, đến ngày xuất vé chặng bay này tăng lên ba triệu đồng, công ty phải bỏ ra hai triệu đồng thanh toán. Trong khi tour đã bán cho khách trước đó với giá vé chỉ 2,5 triệu đồng, DN đã khổ còn bị lỗ.
“DN du lịch giống như người đầu bếp chọn các nguyên liệu chế biến thành món ngon cho du khách nhưng nay lại rơi vào thế trận khó khăn trăm bề” - ông Thành nói.