“Khách ruột” giúp bất động sản vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong thời điểm giãn cách xã hội do dịch bệnh thì khách quen chính là nguồn sống của môi giới bất động sản (BĐS). Những người này đã từng mua sản phẩm của công ty, đã có sự tin tưởng nên có thể thực hiện giao dịch đặt cọc mà không cần gặp mặt trực tiếp.

Thị trường bất động sản thời điểm này dựa khá nhiều vào nguồn lực từ các khách hàng thân thiết. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Sống được nhờ mối ruột

Ông Nguyễn Quốc, Giám đốc một sàn giao dịch, cho biết có dự án mở bán ở tỉnh vào thời điểm dịch bệnh nhưng khách hàng lại chủ yếu ở TP.HCM nên đã khó càng thêm khó. Trước khi các tỉnh, TP phía Nam áp dụng Chỉ thị 16, các nhân viên muốn nghỉ về nhà làm đều được giải quyết, giảm lương nhưng vẫn phải báo cáo công việc hằng ngày.

Tuy doanh số bán hàng trong nửa đầu năm sụt giảm mạnh nhưng theo ông Quốc thì vẫn bán được khoảng 30% giỏ hàng. Người mua chủ yếu là khách quen. Khách đầu tư hầu hết từng mua 1-2 sản phẩm của công ty trong khi khách mới rất ít.

“Mới đây, sàn tổ chức buổi livestream giới thiệu sản phẩm mới có gần 300 khách hàng tham gia và chủ yếu là khách quen. Mối ruột giúp các môi giới cầm cự trong mùa dịch vì họ đã nắm được năng lực của chủ đầu tư, giá trị tăng thêm của các dự án. Họ tin tưởng thì người môi giới mới có thể chốt cọc dễ dàng khi lúc này không thể gặp trực tiếp. Giao dịch đều qua chuyển khoản” - ông Quốc chia sẻ.

Là một người môi giới không chỉ sống khỏe mà còn hoàn thành vượt chỉ tiêu doanh thu nhờ khách quen, anh Đức Thành chia sẻ: “Một số khách quen có quan hệ rất tốt với mình, tin tưởng như anh em, bạn bè. Cái chính là mình phải tạo được uy tín, có kiến thức tốt về đầu tư BĐS, hiểu rõ nhà đầu tư có thể hưởng lợi gì khi xuống tiền. Ngoài ra, phải nắm rõ mục đích đầu tư của từng khách quen để giới thiệu đúng sản phẩm họ ưa chuộng”.

Anh Thành dẫn chứng khi lãi suất tiết kiệm xuống thấp, anh tỉ tê chuyện trò với một khách quen thì người này cũng đang dự tính rút tiền ở ngân hàng để đầu tư BĐS. Nắm được mong muốn khách thích một căn nhà thứ hai ở vùng ven có vườn tược, cây cối nên anh Thành giới thiệu ngay một dự án biệt thự vườn ở Đồng Nai. Đối với khách muốn đầu tư BĐS cho thuê, anh Thành tư vấn cho họ dự án căn hộ ở TP.HCM. Khách đã đồng ý thì sẽ chuyển khoản đặt cọc, không cần gặp trực tiếp tại công ty hay đến dự án.

“Người môi giới phải cập nhật thường xuyên thông tin dự án mới cho khách. Không chỉ chuyển tải hình ảnh chụp thực tế mà còn phải có clip quay flycam, công nghệ 3D, thực tế ảo… Kèm theo đó là các phân tích biểu thị qua đồ họa infographic để khách hàng dễ hiểu, dễ thuyết phục” - anh Thành nói.

Các sàn cần linh hoạt

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ những sàn giao dịch thuộc một số doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án thì mới duy trì được hoạt động.

Hầu hết các sàn này đều hoạt động theo phương thức kinh doanh bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý thông tin, giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại khoảng 70% số lượng các sàn giao dịch chỉ làm trung gian môi giới thì đa số đều tạm dừng hoạt động.

Dịch bệnh kéo dài khiến các sàn thiệt hại nặng nề do đa số DN môi giới nguồn lực mỏng, không đủ dự phòng khi thị trường ngưng trệ lâu. Họ không có sản phẩm để bán, dẫn đến doanh thu không có trong khi các chi phí duy trì hoạt động vẫn phải có.

“Đây là lúc thị trường sàng lọc sàn giao dịch có tiềm lực kinh tế và phân tích đầu tư tốt. Đây cũng là cơ hội để nhân viên môi giới khai thác những khách hàng quen, ít sự cạnh tranh và có thể thu hút lượng lớn khách hàng qua đại dịch” - ông Đính chia sẻ.

Với cái nhìn lạc quan, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kênh thông tin batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, đánh giá về dài hạn, BĐS Việt Nam luôn là thị trường tiềm năng. BĐS vẫn là sự lựa chọn của các nhà đầu tư bởi giá trị sinh lời an toàn dù trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Theo số liệu của batdongsan.com.vn, mỗi năm Hà Nội và TP.HCM cần khoảng 140.000 căn nhà song nguồn cung rất hạn chế từ năm 2019. “Do đó, nhiều DN BĐS đã thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm. Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu ở thực của người mua có nhiều cơ hội phát triển. Đây là thời điểm tốt để các DN chuẩn bị đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời sẵn sàng phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định, linh hoạt trong việc đào tạo và cả mở bán trực tuyến” - ông Tuấn nhận định.•

 

Chỉ 30% hoạt động ổn định hoặc ít biến động

Theo DKRA Việt Nam, 70% DN buộc phải lựa chọn giải pháp cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động. 30% còn lại hoạt động ổn định hoặc có mức độ biến động nhân sự thấp.

Doanh thu của DN môi giới khu vực TP.HCM trong ba tháng gần đây cho thấy có đến 50% DN có mức doanh thu đạt dưới 10%. Nhóm này được xếp vào nhóm DN có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao.

Khoảng 30% DN có nguy cơ ngưng hoạt động cao với mức doanh thu 30%-50%. Chỉ 10% DN tạm ổn định với mức doanh thu 50%-70% và cũng chỉ có 10% DN có doanh thu ổn định.

Dù doanh thu giảm hoặc không có doanh thu nhưng các DN vẫn phải chi trả chi phí thuê mặt bằng văn phòng, đóng bảo hiểm xã hội, trả tiền lương... hàng tỉ đồng mỗi tháng, dẫn đến khó khăn về tài chính. Trong khi đó, hoạt động thu hồi công nợ của các chủ đầu tư và dự án cũng gặp khó khăn, khiến dòng tiền bị thu hẹp.

Vì vậy, DKRA Việt Nam đề xuất giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN, giãn nộp các loại thuế này sáu tháng kể từ khi DN hoạt động trở lại. Đề xuất hỗ trợ DN vay vốn với lãi suất 0% để chi trả các khoản cố định và đầu tư vào hoạt động kinh doanh để sớm có doanh thu trở lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm