Liên tục trong nhiều số báo vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã nêu những bất cập tại Thông tư 06/2017 của Bộ VH-TT&DL quy định từ 1-1-2019, người phụ trách kinh doanh các công ty lữ hành nội địa, quốc tế như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc… phải có bằng cấp cao đẳng chuyên ngành lữ hành.
Điều này cũng đồng nghĩa hàng ngàn giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT… các công ty du lịch phải đi học lại để bổ sung bằng cấp.
Liên quan đến vấn đề trên, Tổng cục Du lịch đã có phản hồi lại vấn đề này. Theo Tổng cục Du lịch, để hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng của hoạt động kinh doanh lữ hành, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, cần có sự thống nhất, chuẩn hóa về nội dung đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực du lịch, trong đó có lữ hành.
Theo đó, đối với những người đào tạo chuyên ngành khác hoặc chưa đúng ngành, chưa đúng nội dung cần được bổ sung kiến thức nghiệp vụ điều hành du lịch để chuẩn hóa kiến thức và cập nhật các quy định, chính sách, chiến lược phát triển của ngành du lịch.
Tuy nhiên, để xử lý những trường hợp đã tốt nghiệp tại các trường, khoa du lịch trước Quyết định số 38/2009 của Thủ tướng Chính phủ năm 2009 và các văn bản hướng dẫn, Tổng cục Du lịch đang rà soát, báo cáo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL sửa đổi một số điều của Thông tư 06/2017 theo tinh thần đảm bảo các sinh viên tốt nghiệp có học các chuyên ngành du lịch, lữ hành theo quy định của Luật Du lịch sẽ được công nhận đủ điều kiện là người phụ trách kinh doanh lữ hành.
Những người đã tốt nghiệp ngành, chuyên ngành đào tạo liên quan đến các lĩnh vực như khách sạn, hướng dẫn du lịch, nhà hàng và các lĩnh vực chuyên môn khác thì chỉ cần tham gia kỳ thi để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch, không bắt buộc phải tham gia các khóa học mới được thi như quy định cũ.
Theo chuyên gia trong ngành du lịch Trần Trung, Thông báo mới từ Tổng cục Du lịch cho thấy cơ quan quản lý sẽ chấp nhận cho người nào có học du lịch, lữ hành trước năm 2009 đủ điều kiện là người phụ trách kinh doanh lữ hành dù trên bằng không ghi đúng bảy chuyên ngành như Thông tư 06 đã hướng dẫn.
Không bắt buộc học lại nghiệp vụ chuyên môn thiết kế tour, điều hành tour, marketing (sinh viên khoa Du lịch Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trong buổi học thực tế)
Nên tổ chức như thi giấy phép lái xe toàn quốc
Tuy nhiên, chuyên gia Trần Trung nói cho rằng đối với các chuyên ngành nào bằng cấp ghi không có liên quan đến du lịch lữ hành như hướng dẫn viên; nhà hàng khách sạn sẽ phải thi. Nhưng việc xem xét bằng cấp như vậy cần dựa vào đâu? Bảng điểm học bạ các môn học hay như thế nào? Và học bao nhiêu tín chỉ của môn học đó thì được chấp thuận?
“Tôi cho rằng đối với những doanh nghiệp cũ đã hoạt động chính thức trước ngày 1-1-2018 thì chỉ nên bổ túc vài buổi một số kiến thức về chính sách nhà nước, pháp luật du lịch, tình hình kinh tế-xã hội, phát triển du lịch Việt Nam và thế giới… Không bắt buộc học lại nghiệp vụ chuyên môn thiết kế tour, điều hành tour, marketing…” - chuyên gia Trần Trung nói.
Mặt khác, chuyên gia Trần Trung cho biết đối với tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch hiện nay căn cứ Thông tư 06 thì Tổng cục Du lịch đã chấp thuận cho một số trường ĐH, CĐ tổ chức. Các trường đào tạo được tự tổ chức thi nhưng phải có ngân hàng đề thi khoảng gần 1.800 câu hỏi.
Việc này gây lãng phí khi các trường phải soạn ngân hàng đề thi và chất lượng khảo thí không đồng bộ do mỗi cơ sở soạn một bộ đề theo tiêu chí riêng, nội dung riêng theo tiêu chuẩn trường đó.
Ngân hàng đề thi khác nhau và giảng viên cơ sở đào tạo cũng là người chấm thi dẫn đến việc khảo thí kiến thức, năng lực của người dự thi tại các cơ sở khác nhau, không cùng một chuẩn đào tạo. Chưa kể nếu trường cạnh tranh không lành mạnh, tổ chức thi dễ, lệ phí thi thấp, đạt chứng chỉ dễ, để thu hút người dự thi thì chất lượng các kỳ thi do cơ sở đào tạo sẽ chênh lệch nhau rất nhiều.
Đây chính là việc vừa qua các chứng chỉ thi quốc gia về ngoại ngữ A,B,C hay tin học A, B được tổ chức thi và cấp tràn lan, không còn chất lượng...
Mặt khác, quy định này so với Thông tư 89/2007 của Bộ VH-TT-DL cho phép Tổng cục Du lịch ủy quyền các cơ sở đào tạo tổ chức khóa học 1,2,3 tháng bồi dưỡng không hiệu quả hơn. Khi đi học trước đây có thể giảm bớt môn học đã từng học và có quy trình đào tạo theo thời gian để đánh giá chất lượng.
Do đó, nếu vẫn tiếp tục tổ chức chi cấp chứng chỉ, nên chăng giao việc soạn thảo ngân hàng đề thi và tổ chức thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch… cho một tổ chức độc lập như hội đồng thi quốc gia, hiệp hội du lịch, hoạt động phi lợi nhuận để tổ chức soạn và thi.
“Với khả năng hiện giờ trong tư liệu của Tổng cục Du lịch đã có sẵn một khối lượng ngân hàng đề thi nghiệp vụ hướng dẫn và điều hành du lịch có thể tu chỉnh lại một bộ đề thi thống nhất và công khai cho các trường đào tạo bồi dưỡng các thí sinh như thi giấy phép lái xe toàn quốc thì đạt một chuẩn như nhau” - ông Trung đề xuất.