Việc bố trí phòng xử án phải đảm bảo sự trang nghiêm, an toàn, đảm bảo sự bình đẳng giữa những người tiến hành tố tụng và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Việc bố trí chỗ ngồi trong phòng xử án phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của HĐXX, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự...
Dự thảo quy định các mô hình phòng xử án, phòng họp của tòa án như sau:
Trước hết là mô hình phòng xử áp dụng đối với vụ án hình sự thông thường. Theo mô hình này, vị trí của đại diện VKS (bên buộc tội) được bố trí đối diện với vị trí của người bào chữa (bên gỡ tội) nhằm thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Trong thực tiễn, một số địa phương như TAND TP Đà Nẵng đã chủ động bố trí phòng xử án hình sự như mô hình trên, được dư luận ủng hộ.
Tiếp đó là mô hình phòng xử áp dụng đối với vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Phòng xử án theo mô hình này có nhiều điểm khác biệt so với phòng xử án hình sự thông thường, được bố trí thân thiện, phù hợp với lứa tuổi dưới 18, giảm không khí căng thẳng, tránh các biến động về tâm lý cho người dưới 18 tuổi.
Đáng chú ý, với các mô hình phòng xử án hình sự, dự thảo đã bỏ khái niệm “vành móng ngựa”, thay vào đó sử dụng khái niệm “bục khai báo” để thể hiện tính nhân văn, phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định về mô hình phòng xử án dân sự, hành chính; mô hình phòng họp giải quyết việc dân sự, phòng họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, phòng họp xem xét, đánh giá chứng cứ và hòa giải. Cuối cùng là mô hình phòng xử án giám đốc thẩm, tái thẩm có vị trí của người bị kết án, người bào chữa, đương sự… Bởi lẽ theo quy định của BLTTHS 2015, trong trường hợp cần thiết, hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm phải triệu tập đương sự, người bị kết án, người bào chữa tham gia phiên tòa.
Trước đây, khi xây dựng dự thảo này, TAND Tối cao từng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, tòa cấp dưới, chuyên gia... Đã có 89 ý kiến đóng góp, trong đó 88 ý kiến thống nhất rằng cần bố trí lại phòng xử án nhằm đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, chỉ có một ý kiến của VKSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị nên giữ nguyên mô hình phòng xử án như hiện nay.