Khaisilk bán khăn Trung Quốc phạm tội gì?

Pháp Luật TP.HCM giới thiệu các ý kiến chuyên gia phân tích quy định pháp luật về trường hợp này.
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM): Cần làm rõ 2 vấn đề
Khaisilk có thực hiện việc đặt gia công, sản xuất sản phẩm nhập hàng hóa tại Trung Quốc hay không? Nếu có thì việc trên nhãn hàng hóa của Khaisilk ghi Made in China là chuyện bình thường. Bởi đây là chỉ dẫn nơi sản xuất hàng hóa, chất lượng vẫn được Khaisilk bảo hộ.
Nếu Khaisilk không thực hiện việc đặt gia công sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc mà lấy hàng do một doanh nghiệp A của Trung Quốc sản xuất (theo tiêu chí chất lượng của doanh nghiệp A) rồi nhập về Việt Nam gắn mác và nguồn gốc sản xuất Việt Nam là có dấu hiệu của sự vi phạm của việc kinh doanh hàng giả tại điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2015NĐ-CP) và có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng.
Lý do là hành vi này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, sản phẩm có thể sẽ không đảm bảo chất lượng như chính sản phẩm mà Khaisilk đã sản xuất và bán đến người tiêu dùng.

Thạc sĩ Từ Thanh Thảo (Đại học Luật TP.HCM): Vi phạm pháp luật về cạnh tranh

Nếu một doanh nghiệp nhập hàng từ nước ngoài về rồi cắt nhãn mác, gắn nhãn hàng trong nước và ghi xuất xứ Việt Nam nhằm mục đích cạnh tranh thì đây là hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Tại khoản 2, 3 Điều 28 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp: “Sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa… để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh” thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Khoản tiền phạt có thể tăng gấp hai lần nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm và buộc cải chính công khai.
Ngoài ra, các giao dịch mua bán hàng hóa giả mạo nêu trên của doanh nghiệp với khách hàng là giao dịch có tính chất lừa dối. Do vậy khách hàng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu và yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại theo quy định tại các điều 127, điều 131 BLDS 2015.

Khaisilk bán khăn Trung Quốc phạm tội gì? ảnh 1
Thương hiệu Khaisilk mang nhãn Made in China. Ảnh internet

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM): Có thể xử lý hình sự

Nếu cơ chức năng chứng minh được Khaisilk có hành vi: buôn bán hàng hóa không phải là hàng hóa thật; Xâm phạm đến trật tự quản lý việc buôn bán hàng giả và chống hàng giả trong việc quản lý trật tự kinh tế;

Buôn bán hàng giả có số lượng hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về các hành vi cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 156 BLHS.
Từ đó có thể xử lý hình sự về tội “Buôn bán hàng giả” theo Điều 156 BLHS.
Lâu nay chúng ta hay có cách tư duy việc làm giả hàng hóa thì chỉ xác định khi làm giả hàng của người khác. Nay cần nhận thức lại cả trong trường hợp làm giả hàng của chính mình.
Bởi chuẩn chất lượng, giá cả, hình thức từ sản phẩm của chính mình được xác định bằng cả quá trình duy trì và phát triển sản phẩm và được xã hội công nhận. Sản phẩm đó đã được định vị và có giá trị vô hình, tách rời khỏi chính chủ nhân của nó.

Nay vì lợi ích mà chính chủ nhân làm giả hàng của chính mình thì đối tượng bị tác động ở đây là người tiêu dùng bị lừa dối trong quá trình chọn sản phẩm mà họ mong muốn. Tức xâm phạm vào quan hệ pháp luật là trật tự quản lý kinh tế trong việc chống buôn bán hàng giả

Đại diện một công ty cho biết đã mua khăn lụa của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai, Hà Nội để làm quà tặng cho đối tác hôm 17-10 vừa qua. Số khăn lụa này mang thương hiệu Khaisilk, kích thước 50 x 50 cm, với đơn giá 644.000 đồng/chiếc.

Sau khi nhận hàng, công ty này phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn hai nhãn mác khác nhau: Một nhãn với nội dung "Khaisilk - Made in Vietnam", còn một nhãn nữa với nội dung "Made in China".

Ông Hoàng Khải - chủ nhãn hàng Khaisilk thừa nhận, hiện nguồn tơ lụa trong hệ thống của Khaisilk có 50% nhập khẩu từ Trung Quốc và 50% có nguồn gốc từ các làng nghề tại Việt Nam.

"Khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực và vùng miền, khả năng quản lý doanh nghiệp của tôi còn hạn chế. Tôi đã không bao quát được tất cả lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu Khaisilk. Sai lầm tôi phải chịu. Tôi không trốn tránh gì trách nhiệm mà đang đối diện với những sai lầm của mình. Tôi cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn", ông Khải phát biểu.

Ông chủ Khaisilk cũng cam kết sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả, đồng thời sẽ bồi thường cho khách hàng một cách nghiêm túc.

"Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa", ông Khải lý giải với báo chí.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm