Bốn mùa Mẫu Sơn đều tươi đẹp và ẩn trong mình nhiều câu chuyện kỳ bí.
Đường đến Mẫu Sơn
Những người trẻ chúng tôi ưa khám phá và có thừa lòng đam mê đã quyết định đi xe máy vượt cả trăm cây số từ Hà Nội lên xứ Lạng, rồi lại thượng sơn theo kiểu của riêng mình. Trải qua quãng đường gần 100 km, biển hiệu “Lạng Sơn kính chào quý khách” đã hiện ra trước mắt mọi người. Những ngọn núi đá vôi điệp trùng thăm thẳm như chào đón, mời gọi mọi người. Xa xa dưới chân núi là những mái nhà đơn sơ, tỏa khói bếp trong sương sớm.
Đỉnh Mẫu Sơn hùng vĩ.
Đi thêm 50 km nữa đoàn mới tới được TP Lạng Sơn với dòng sông Kỳ Cùng hiền hòa chào đón. Cả nhóm mừng rỡ cứ ngỡ tưởng sắp gần đến Mẫu Sơn để kịp tránh cái nắng đang lên. Nhưng khi nghe bà chủ quán nước ven đường nói còn phải đi tiếp 30 km trên quốc lộ 4B nữa mới tới, chúng tôi trố mắt nhìn nhau, thở dài nhưng rồi bặm môi bảo nhau “đã đi là phải đến”.
Đoàn xe chạy tới một đoạn rẽ vào quốc lộ 4B, những cảm giác thật “kinh khủng” bắt đầu xuất hiện. Đoạn đường gập ghềnh với rất nhiều ổ gà, ổ voi, bụi mù mịt. Những tay lái xe ben cừ khôi nhất cũng phải lao đao trên đoạn đường này. Người ngồi trên xe cứ như chực nẩy ra ngoài. “Chiến đấu” hết 30 km phải mất hơn một tiếng đồng hồ. Đến chân núi Mẫu Sơn, nhìn vào tấm biển chỉ dẫn, cả bọn đều biết nếu leo tới đỉnh còn 15 km nữa. Trời ngày càng nắng gắt nhưng cả nhóm đã quyết thượng sơn nên không ai bỏ cuộc.
Các đoạn cua dốc, gấp khúc liên tục. Một bên là núi, một bên là vực sâu hun hút. Tất cả chỉ còn là một màu xanh hoang dại. May sao, trên bầu trời thỉnh thoảng lại xuất hiện những đám mây che kín ánh mặt trời, mang lại cảm giác mát mẻ đôi chút.
Cảnh sắc hiện ra ngày càng heo hút nhưng vô cùng tươi đẹp. Những tiếng hú hí thích thú của các cô gái ngồi sau xe lần đầu tiên được thượng sơn. Xa xa ở tít dưới chân thung lũng thăm thẳm, đôi khi lại xuất hiện một nếp nhà nhỏ xinh, êm ấm. Càng lên tới gần đỉnh, mây càng xuất hiện nhiều hơn. Có khi một đám mây mang hơi nước vừa bay qua người mà mình chưa kịp nhận ra. Cái nóng oi ả dưới miền đồng bằng đã vụt mất, để lại lúc này là một cảm giác hơi lành lạnh, váng vất trong đầu vì thiếu ôxy.
Thời tiết đầu đông nhưng nhiệt độ ở Mẫu Sơn chỉ khoảng 8-10 độ C. Khi đỉnh Mẫu Sơn hiện ra, điều mà mọi người muốn chứng kiến đầu tiên đó là đưa tầm mắt nhìn sang Trung Quốc để chiêm ngưỡng đoạn sông Kỳ Cùng uốn lượn: Đỉnh Mẫu Sơn là điểm duy nhất ở Việt Nam mà ta có thể chứng kiến được cảnh tượng đặc biệt hùng vĩ này.
Tắm lá thuốc của người Dao
Trên đỉnh Mẫu Sơn, chúng tôi thưởng thức thịt heo rừng quay và uống rượu Mẫu Sơn. Lúc về mọi người lại cố mua một ít mật ong, vài ký mận và đôi nhánh lan rừng làm quà.
Các khu nhà nghỉ ở Mẫu Sơn đều có dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao.
Nhưng ấn tượng nhất chính là bài tắm lá thuốc độc đáo do ông Đặng Tăng Phúc sáng chế ra. Ông Phúc 73 tuổi, người gốc dân tộc Dao Đỏ, sinh trưởng ngay tại vùng núi Mẫu Sơn. Năm 2002, lần đầu tiên ông chế biến thành công bài tắm lá thuốc từ truyền thuyết của dân tộc mình. Từ một bài tắm thuốc nhằm phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh, ông đã nghiên cứu chế biến thành bài thuốc tắm phục hồi, tăng cường thể lực cho mọi đối tượng. Bài thuốc có 36 vị được lấy từ những cây cỏ có sẵn trong vùng rừng rậm Mẫu Sơn. Các vị chính có thể kể đến là: thiên lý hương, đại phong, tiểu phong, tầm thông, phúc thông… Nồi thuốc luôn ở nhiệt độ sôi, nếu không sẽ mất tác dụng. Ông Phúc dặn dò kỹ, mọi người chỉ được tắm trong vòng 30 phút, lâu hơn sẽ bị say thuốc.
Một phế tích cổ từ thời Pháp thuộc trên đỉnh Mẫu Sơn.
Nước thuốc dùng để tắm có màu nâu sẫm như mật ong rừng. Khi vòi nước thuốc mở, hương thuốc tỏa ra không gian ngào ngạt, du khách phải ngâm da thịt vào ngay. Tác dụng chính của bài tắm thuốc này là an thần, thông mạch máu, phục hồi gân cốt, kích thích tiêu hóa… Tắm lá thuốc cũng rất tốt cho những người hoạt động trí óc mệt nhọc. Chính người phụ nữ Dao bao đời nay đã biết tắm loại thuốc này sau khi sinh, họ đã phục hồi sức khỏe rất nhanh, chỉ vài ngày sau có thể lên nương rẫy lao động bình thường… Người Dao ở Mẫu Sơn xem bài thuốc như thần dược trời ban cho con người.
Bài thuốc quý giá của ông Đặng Tăng Phúc đã được Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cấp giấy chứng nhận. Dù ông Phúc đã công bố bài thuốc rộng rãi ra công chúng nhưng không có ai chế biến được như ông. Lý do cũng dễ hiểu: Để lấy đủ 36 vị thuốc trong rừng không hề đơn giản chút nào! Giá mỗi lượt tắm lá thuốc là 100.000 đồng/người, còn mua về giá 75.000 đồng/thang.
Từ khi có bài tắm lá thuốc của ông Phúc thì các nhà nghỉ thi nhau mọc lên trên đỉnh Mẫu Sơn. Khoảng đất phẳng trên đỉnh Mẫu Sơn đã xuất hiện gần 30 nhà nghỉ lớn, nhỏ, với nhiều cái tên mỹ miều: Mây, Chiều Mây, Lạc Tiên, Yến Yến... Để câu kéo khách, các nhà nghỉ đã không ngần ngại trưng biển quảng cáo “Có dịch vụ tắm lá thuốc gia truyền”.
Tuy nhiên, nhà nghỉ nào có tắm lá thuốc đúng “chất” bài thuốc của người Dao Đỏ, nhà nghỉ nào mạo danh? Nhiều bài thuốc kém chất lượng bày ra, móc túi du khách thiếu am hiểu. Đó là chưa kể nhiều “biến tướng” trong dịch vụ tắm thuốc.
Truyền thuyết huyền bí
Trên đỉnh Mẫu Sơn, có một người đàn ông dân tộc Dao, tuổi ngoại ngũ tuần, rất có khiếu kể chuyện truyền thuyết cho khách nghe. Du khách thiện cảm rồi sau đó mua mật ong rừng do người đàn ông này rao bán. Ông thường trầm ngâm mỗi khi vào chuyện bằng câu: “Ngày xửa ngày xưa, dân tộc Dao chúng tôi đã truyền miệng nhau một truyền thuyết ...”.
Trong đó có một truyền thuyết như sau: Từ xa xưa, trong một chuyến đi săn thú rừng, một người đàn ông Dao Đỏ ở bản Lặp Pịa (huyện Lộc Bình) đã mang về nhà một phiến đá có hình thù kỳ quái lấy trên đỉnh núi Mẫu, ông dự tính dùng vào việc bếp núc. Ngay sáng hôm sau, khi tỉnh giấc, người đàn ông phát hoảng khi nhìn thấy những giọt máu đang loang đỏ chảy ra từ phiến đá. Ông và gia đình sợ quá, liền vác phiến đá trả lại cho đỉnh núi và cầu xin thần linh tha thứ.
Truyền thuyết trên được dân làng kể cho nhau nghe, như một lời cảnh tỉnh các thế hệ sau không được phép làm tổn hại núi Mẹ. Nơi đặt phiến đá thiêng đó cùng với vùng phụ cận hiện nay trở thành linh địa bất khả xâm phạm. Cũng chính từ truyền thuyết mà khu đền thờ bằng đá đã ra đời.
Các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật trên đỉnh Mẫu Sơn và phát hiện ra hai điều rất độc đáo về kiến trúc đá nơi đây, đó là mộ đá lớn (mộ Cự Thạch) và đền thờ bằng đá. Ngoài ra còn có rất nhiều di vật lịch sử có giá trị khác. Các nhà khảo cổ tỏ ra thán phục tài nghệ xây dựng của người xưa với kiến trúc đá tinh xảo. Nhiều công trình đá cổ ở đây có niên đại từ thời đồ sắt, trùng với thời kỳ đầu của nền văn minh sông Hồng.
Tuy nhiên, cho đến nay công tác bảo tồn các di sản ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn, mà nếu các cơ quan hữu trách chậm trễ thì rất có thể dẫn đến nguy cơ thất thoát các giá trị văn hóa cổ ở vùng núi Mẫu Sơn.
HẢI DƯƠNG