Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa đưa ra cảnh báo số giờ làm việc tiếp tục bị giảm mạnh trên toàn cầu do đại dịch COVID-19 bùng phát sẽ khiến 1,6 tỉ người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, tức gần nửa lực lượng lao động toàn cầu, đứng trước nguy cơ bị hủy hoại sinh kế.
Báo cáo nhanh số 3 của ILO “Đại dịch COVID-19 và thế giới việc làm” cho biết dự kiến tình trạng số giờ làm việc bị giảm trong quý II năm 2020 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với ước tính trước đây.
So với giai đoạn tiền khủng hoảng trong quý IV năm 2019, nay số giờ làm dự kiến bị cắt giảm sẽ 10,5%, tương đương hơn 300 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần). Con số ước tính trước đây là 6,7% tổng số giờ làm bị cắt giảm, tương đương với 195 triệu lao động toàn thời gian.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phong tỏa trong thời gian dài.
Hơn 436 triệu doanh nghiệp toàn thế giới phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn hoạt động nghiêm trọng. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN
Xét theo khu vực địa lý, tình trạng này đã và đang trở nên tồi tệ hơn với tất cả các khu vực chính. Ước tính trong quý II, châu Mỹ sẽ mất 12,4% số giờ làm việc (so với giai đoạn tiền khủng hoảng), châu Âu và Trung Á sẽ mất 11,8%.
Số liệu ước tính số giờ làm việc bị cắt giảm của các khu vực còn lại đều gần xấp xỉ với các khu vực nêu trên và đều cao hơn 9,5%.
Đối với khu vực kinh tế phi chính thức
Khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 khiến gần 1,6 trên tổng số 2 tỉ người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức (đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động) trên thế giới (lực lượng lao động toàn cầu là 3,3 tỉ) phải chịu thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng mưu sinh của họ.
Đây là hậu quả của các biện pháp phong tỏa và/hoặc do họ làm việc tập trung ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Ước tính tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng đã khiến 60% thu nhập của người lao động phi chính thức bị giảm trên toàn cầu. Theo khu vực địa lý, tỉ lệ này là 81% ở châu Phi và châu Mỹ, 21,6% ở châu Á và Thái Bình Dương và 70% ở châu Âu và Trung Á.
Nếu không có các nguồn thu nhập khác, những người lao động này và gia đình họ sẽ không còn cách nào để duy trì cuộc sống.
Các doanh nghiệp có nguy cơ
Tỉ lệ lao động làm việc ở các quốc gia khuyến nghị hay bắt buộc đóng cửa nơi làm việc đã giảm từ 81% xuống còn 68% trong hai tuần vừa qua. Con số thực tế này giảm sâu hơn so với ước tính 81% đưa ra trong báo cáo nhanh số 2 chủ yếu do những thay đổi ở Trung Quốc.
Hơn 436 triệu doanh nghiệp toàn thế giới phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn hoạt động nghiêm trọng. Những doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cụ thể, có 232 triệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, 111 triệu doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, 51 triệu doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống và 42 triệu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và các hoạt động kinh doanh khác.
Người đứng đầu ILO cho rằng hàng triệu người lao động, không có thu nhập đồng nghĩa với việc không có thức ăn, không có an ninh và không có tương lai. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN
Các biện pháp chính sách cấp bách
ILO kêu gọi cần triển khai ngay các biện pháp cấp bách, có tính mục tiêu và linh hoạt nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức và những đối tượng dễ bị tổn thương khác.
Các biện pháp tái khởi động kinh tế cần áp dụng cách tiếp cận chú trọng tạo nhiều việc làm, đi kèm với các chính sách và thể chế việc làm chắc chắn hơn, cùng các hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện và có nguồn lực tốt hơn.
Việc điều phối quốc tế liên quan đến các gói kích thích kinh tế và biện pháp giảm nợ cũng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp công cuộc phục hồi hiệu quả và bền vững. Những tiêu chuẩn lao động quốc tế đã được sự đồng thuận của các đối tác ba bên có thể tạo khuôn khổ cho các biện pháp này.
Ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO, nhấn mạnh tình hình đại dịch và khủng hoảng việc làm ngày càng diễn tiến phức tạp, chúng ta càng cần phải khẩn trương bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
“Hàng triệu người lao động, không có thu nhập đồng nghĩa với việc không có thức ăn, không có an ninh và không có tương lai. Hàng triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới đang nín thở. Họ không có những khoản tiết kiệm hay được tiếp cận các khoản vay. Đây là bộ mặt thật của thế giới việc làm.
Nếu bây giờ chúng ta không giúp đỡ họ, đơn giản là họ sẽ không thể tồn tại” -người đứng đầu ILO nói.