Khẩn cứu con kênh ô nhiễm nhất Sài Gòn

Từng đi dọc tuyến kênh Trung Ương dài 12,7 km, chảy qua địa bàn hai huyện Bình Chánh, Hóc Môn, TP.HCM từ nhiều năm trước nên chúng tôi không khỏi sửng sốt khi thấy dòng kênh vùng ven thơ mộng ngày nào giờ đã đổi màu đen kịt. Có đoạn muỗi giăng kín mặt kênh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Một số người dân địa phương nói đùa rằng đây không phải là kênh Trung Ương mà là kênh… thảm thương.

Kênh đứt đoạn, xác heo vứt đầy

“Tuyến kênh được đào sau ngày giải phóng để cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Hồi đó tôi cũng tham gia đào kênh. Lúc trước nước sạch lắm, tôi tắm kênh hoài. Khoảng 10 năm gần đây, khi dân cư đông đúc, nhất là các trại heo mọc lên thì dòng kênh bị ô nhiễm thấy sợ. Khổ nhất là chủ trại heo cứ vứt heo chết xuống kênh, thối không chịu nổi” - ông Nguyễn Văn Cà, 63 tuổi, nhà ven kênh thuộc ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, nói với giọng ngao ngán.

Ông Cà cho rằng do các chủ trại heo mê tín dị đoan nên heo chết không đem chôn mà bỏ vào bao, vứt xuống kênh. “Có lần họ vứt mấy bao tải đựng heo chết xuống kênh. Bà con nghe mùi hôi thối, tanh tưởi tưởng xác người chết trôi nên gọi báo công an xã. Công an xuống, lấy dao rạch bao ra mới biết bên trong là xác heo” - ông Cà kể. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân địa phương cũng quả quyết rằng chủ các trại heo vứt xuống kênh. “Có lần ngồi uống rượu với mấy người buôn heo, tui nghe họ nói chủ trại heo thường có quan niệm heo chết đem chôn sẽ làm ăn lụn bại nên họ vứt ra kênh. Chuyện này dân ở đây ai cũng biết. Bà con cũng rình bắt nhưng không được vì họ toàn canh vứt vào ban đêm” - anh Linh, nhà ven kênh thuộc ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, cho biết thêm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên đoạn kênh chạy qua địa bàn xã Vĩnh Lộc A, nhiều đoạn bị lấp bít nên nước tù đọng, muỗi ken kín mặt kênh. Những đoạn có trại heo, nước rất dơ và bốc mùi nồng nặc. Trên dòng kênh, có đoạn thấy nhiều bao tải nổi lềnh bềnh, nghi có xác động vật bên trong.

Ngoài ô nhiễm, do dân cư ven kênh ngày càng đông đúc nên nguy cơ ngập úng dọc tuyến kênh rất dễ xảy ra. “Nếu mưa lớn, dòng kênh sẽ bị tắc nghẽn, nước rất dễ tràn ra hai bên bờ. Nước ô nhiễm kiểu này mà ngập nhà dân thì rất khốn khổ”, một kỹ sư của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM nhận định.

Cảnh ô nhiễm trầm trọng trên tuyến kênh Trung Ương, đoạn thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: TRUNG THANH

Phải cấp bách cải tạo

Hàng ngàn người dân sống ven kênh Trung Ương mong sớm có một ngày nào đó con kênh này sẽ xanh, sạch như xưa. Trước nguyện vọng của người dân, giữa cuối tháng 3-2017, Công ty Thoát nước đô thị và nhiều lực lượng liên quan của huyện Bình Chánh đã tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy đoạn bị tắc nghẽn thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc B. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện những đoạn kênh còn lại vẫn còn ô nhiễm trầm trọng, điển hình là đoạn chạy qua địa bàn xã Vĩnh Lộc A.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ bức xúc của người dân, năm 2016 lãnh đạo Thành ủy đã có chỉ đạo thực hiện dự án cải tạo tuyến kênh Trung Ương. Mới đây, UBND TP cũng có chỉ đạo sớm thực hiện dự án cải tạo kênh theo phương án nạo vét và xây dựng kiên cố. Cụ thể, do tính cấp bách của dự án, UBND TP yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương trình danh mục đầu tư dự án cũng như về ngân sách. UBND TP cũng đã có chủ trương tạm ứng 500 triệu đồng để trung tâm chống ngập thực hiện công đoạn khảo sát, lập dự án đầu tư. Dự án được thực hiện hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2018.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Chống ngập TP.HCM, cho biết trước đây tuyến kênh Trung Ương có chức năng thủy lợi do Sở NN&PTNT TP.HCM quản lý. Đến năm 2016, tuyến kênh này mới đổi chức năng thành tuyến kênh thoát nước và giao cho trung tâm chống ngập quản lý. “Trước tình trạng tuyến kênh bị bồi lắng và ô nhiễm, UBND TP đã có chỉ đạo giao cho trung tâm thực hiện dự án nạo vét và xây dựng kiên cố dòng kênh. Hiện trung tâm cũng đã tiến hành các thủ tục để sớm thực hiện dự án”.

Phải ngăn lấn chiếm, xả rác

Ông Ngô Quang Mãnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý cấp thoát nước, Sở GTVT TP.HCM, cho rằng việc nạo vét, xây dựng kiên cố tuyến kênh Trung Ương là cần thiết. Tuy nhiên, phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng lấn chiếm và nạn xả rác thải, nước thải ô nhiễm. “Do công tác quản lý không tốt nên nhiều tuyến kênh nội thành bị lấn chiếm, khi thực hiện dự án cải tạo tốn rất nhiều tiền. Đây là vấn đề chúng ta ai cũng thấy. Vì thế, đừng để chuyện này lặp lại đối với những tuyến kênh vùng ven” - ông Mãnh nói.

_____________________________

175 tỉ đồng là tổng mức đầu tư theo tính toán ban đầu của trung tâm chống ngập nhằm thực hiện dự án nạo vét, xây dựng kiên cố tuyến kênh Trung Ương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới