Ngày 27-1, ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (bình thuận), cho biết huyện đã huy động nhiều xe cơ giới đến hiện trường để xử lý, giải quyết hậu quả của việc san ủi trái phép gây ảnh hưởng đến một phần bãi đá bảy màu và bãi rêu. Đây là vụ vi phạm rất nghiêm trọng, UBND huyện sẽ làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan và xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Tự ý san lấp đất không phép
Theo UBND huyện Tuy Phong, việc thông tin có hộ dân san lấp mặt bằng gây ảnh hưởng đến bãi rêu và bãi đá bảy màu là có thật. Tuy nhiên, thông tin cho rằng các bãi đá trên bị “xóa sổ” là không đúng thực tế.
Trước đó, ngày 26-1, Pháp Luật TP.HCM có bài phản ảnh về bãi đá bảy màu và bãi rêu tại xã Bình Thạnh có nguy cơ bị “xóa sổ” khi một người dân lấn chiếm đất, tự ý đưa xe cơ giới vào san ủi. Theo đó, UBND huyện Tuy Phong đã có báo cáo nhanh gửi UBND tỉnh Bình Thuận.
Nội dung báo cáo cho biết ngày 9-1, UBND xã Bình Thạnh phát hiện ông Cao Văn Cư, hộ dân có đất nông nghiệp tại khu vực này tự ý san lấp đất nông nghiệp không xin phép.
UBND xã Bình Thạnh đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Cư và ban hành quyết định xử phạt. “Tuy nhiên, ông Cư không tự giác chấp hành mà vẫn tiếp tục lén lút thực hiện hành vi san ủi đất trái phép. Phần đất dư thừa khi san ủi, ông Cư đẩy về phía biển. Do tác động của gió mùa Đông Bắc và thủy triều nên một phần đất đã tràn xuống bờ biển khu vực giáp ranh với bãi đá rêu và bãi đá bảy màu với chiều dài khoảng 100 m” - văn bản nêu rõ.
Theo UBND xã Bình Thạnh, xã đang lập biên bản lần hai những vi phạm của ông Cư và buộc ông phải trả lại nguyên trạng đất đai khu vực này. UBND huyện Tuy Phong cũng đã tổ chức kiểm tra, yêu cầu phải nhanh chóng khắc phục hậu quả, không để đất tiếp tục tràn xuống bờ biển gây ảnh hưởng đến bãi đá rêu và bãi đá bảy màu.
Những người dân địa phương cho hay khoảng đầu tháng 1-2019, ông Cư đưa hai xe cơ giới san ủi rầm rộ ngày đêm trên diện tích hàng ngàn mét vuông, thế nhưng sau khi UBND xã đến lập biên bản ông Cư vẫn tiếp tục cho xe san ủi.
Một người dân khu vực cho hay: “Thậm chí ông Cư còn lấn chiếm đất công sát với bãi đá bảy màu nên mới xảy ra tình trạng đất cát lấp cả một đoạn dài bãi đá này và chỉ cách bãi rêu khoảng chục mét, uy hiếp trực tiếp bãi này”.
UBND huyện Tuy Phong (bình thuận) cho xe cơ giới khắc phục hậu quả tại bãi đá bảy màu. Ảnh: P.NAM
Lấn chiếm đất công hơn 4.000 m2
Để tìm hiểu về hành vi lấn chiếm đất công của ông Cư, chúng tôi bất ngờ phát hiện ông Cư đã lấn chiếm công thổ lên đến hơn 4.000 m2 đất chứ không phải chỉ san lấp trên đất nông nghiệp của mình như báo cáo của huyện Tuy Phong.
theo tài liệu chúng tôi có, với hành vi này, ngày 10-1, UBND xã Bình Thạnh ra quyết định xử phạt ông Cư 4 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng đất ban đầu. ông Cư đã không chấp hành khôi phục mà còn tiếp tục vi phạm dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng bãi rêu và bãi đá bảy màu.
Đặc biệt, khu vực đất nhà nước mà ông Cư lấn chiếm là khu vực rừng chồi bản địa rất quý giá. Ngoài việc tạo mảng xanh bên cạnh bãi đá bảy màu còn có chức năng chống xói lở đất. Đáng tiếc, quá trình san lấp đất, số rừng chồi này đã bị tận diệt biến mất. Tại hiện trường, hàng ngàn khối đất cát cao quá đầu người, không kè chắn và với độ dốc lớn có thể tiếp tục đổ ập, vùi lấp thêm bãi đá bảy màu bất cứ lúc nào.
Đến chiều 27-1, ba xe cơ giới do chính quyền huyện Tuy Phong điều động vẫn đang múc từng gàu đất cát lấp trên bãi đá bảy màu. Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia về xây dựng, việc trả lại vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu của bãi đá bảy màu đã bị lấp này là rất khó thực hiện.
Cùng ngày, một nguồn tin cho biết Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã có kế hoạch đến hiện trường để kiểm tra.
Bãi đá độc nhất vô nhị Việt Nam Bãi biển ở Cổ Thạch, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) dài khoảng 1 km. Đây là bãi biển rất đặc sắc bởi có nhiều bãi đá với những viên đá mang hình dạng tròn, dẹp, lớn nhỏ khác nhau. Điều thú vị là đá ở đây có nhiều màu sắc nên người dân địa phương gọi là bãi đá bảy màu. Năm 2011, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbook) công nhận bãi đá bảy màu là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam” và là một trong những bãi đá đẹp, độc nhất vô nhị trong cả nước… Trong văn bản UBND huyện Tuy Phong gửi UBND tỉnh Bình Thuận nêu rõ: “Chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phong luôn coi bãi đá bảy màu và bãi rêu Bình Thạnh là tài sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương nên cần phải hết sức trân trọng và giữ gìn”. |