Chiều 26-1, ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết, đây là hộ dân san ủi trên đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Tuy nhiên quá trình san ủi, hộ gia đình này đã để tràn đất cát ra khỏi ranh giới đất của mình và phủ lấp một đoạn của bãi đá bảy màu. Chúng tôi đã yêu cầu hộ dân này phải lập tức có trách nhiệm dọn sạch đất cát đã tràn lấp ra bãi đá”, ông Điển nói.
Bãi đá bảy màu và đá bà khòm, địa điểm mà rất nhiều nhiếp ảnh gia trong ngoài nước đến sáng tác khi mùa rêu về.
Như PLO.VN đã đưa, trước đó UBND xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong đã tiến hành lập biên bản một hộ dân buôn bán ở địa phương đã san ủi đất cát làm mặt bằng để buôn bán lấp luôn một đoạn bãi đá bảy màu độc nhất vô nhị ở đây.
Được biết, khu vực mà hộ dân này tự ý ủi cát nằm dọc theo bãi đá bảy màu và đá bà khòm, địa điểm mà rất nhiều nhiếp ảnh gia trong ngoài nước đến sáng tác khi mùa rêu về. Tuy nhiên rất nhiều đất cát đã lấp một đoạn dài bãi đá bảy màu tuyệt đẹp, sóng biển cuốn lượng cát khổng lồ nói trên phủ khắp nơi trông xấu xí và vô cùng tồi tệ.
Hiện trường san lấp mặt bằng lấp cả một đoạn bãi đá bảy màu.
Bãi đá bảy màu Bình Thạnh dài hơn một cây số nằm dọc theo biển ở đây được xem là bãi đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Thế nhưng với cách quản lý tệ hại đã biến tiềm năng này trở thành nỗi ám ảnh của du khách. Hàng quán buôn bán hỗn tạp, lộn xộn, rác thải khắp nơi, còn những viên đá nhẵn thín, nhiều màu sắc thì mạnh ai nấy lấy.
Nhiều người dân địa phương đều bức xúc cho biết, người thuê xe máy ủi, máy xúc là ông C. đến san lấp mặt bằng trên diện tích 5.000m2 nhiều ngày liền nhưng không thấy chính quyền địa phương kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn.