TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa nhận được kháng nghị phúc thẩm của VKS cùng cấp cùng kháng cáo vụ Lương Bội Huệ (sinh năm 1979), Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 1968) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ, Huệ làm nhân viên thủ kho phụ kiện của công ty TNHH nhựa H., trụ sở tại Bình Dương. Còn Nhàn là tài xế chở hàng cho công ty Đ tại TPHCM. Công ty Đ chuyên cung cấp sản phẩm phụ kiện nhựa gắn ren bằng đồng thau cho công ty H. Huệ phụ trách đề xuất yêu cầu và trực tiếp kiểm đếm, lập phiếu nhập kho hàng ren đồng thau.
Từ năm 2015 đến tháng 3-2019, Huệ rủ Nhàn chiếm đoạt hàng ren đồng thau của công ty. Cụ thể là khi vận chuyển hàng từ công ty Đ về công ty nhựa H, Nhàn sẽ lấy bớt đồ rồi bán. Do có thông đồng từ trước, nên dù biết việc Nhàn làm, Huệ vẫn ký nhận đủ số lượng.
Kết luận định giá tài sản thể hiện cả hai chiếm đoạt của công ty Đ hơn 24 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt Huệ 17 năm tù, Nhàn 12 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, toà buộc hai bị cáo liên đới bồi thường cho công ty H toàn bộ thiệt hại. Hai bị cáo phải liên đới nộp án phí hơn 132 triệu đồng.
Sau đó, công ty H, bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt bị cáo Nhàn. Đồng thời yêu cầu xác định công ty Đ là đồng bị hại, buộc phải gánh 50% thiệt hại vụ án do người của mình là bị cáo Nhàn gây ra. Số tiền hơn 12,16 tỉ đồng, công ty Đ có nghĩa vụ thanh toán cho công ty H.
Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM có kháng nghị phúc thẩm về trách nhiệm dân sự và án phí.
Theo kháng nghị, các bị cáo là đồng phạm nên phải có nghĩa vụ cùng liên đới bồi thường tương ứng với số tiền mình hưởng lợi. Trong vụ án, Huệ là người khởi xướng, chủ mưu, hưởng lợi chính số tiền chiếm đoạt được, sau đó chia cho Nhàn 10% và tiền xăng xe đi lại. Nhàn có trách nhiệm bán hàng chiếm đoạt đem tiền về cho Huệ.
Án sơ thẩm xác định mỗi tháng, cả hai bán được 30-40 triệu đồng. Nhàn hưởng lợi trên 500 triệu, Huệ trên 3 tỉ đồng. Vai trò của Huệ trong vụ án cao hơn Nhàn.
Tuy nhiên, án sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo có nghĩa vụ liên đới bồi thường mà không quyết định các mức bồi thường thiệt hại và phần án phí cụ thể cho từng bị cáo. Việc này tạo nên sự không công bằng, khách quan cho mỗi bị cáo tham gia vụ án với tính chất, vai trò, mức độ và chiếm hưởng số tiền khác nhau.
Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho bị hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại xác định tương ứng với mức lỗi của mỗi người. Trường hợp không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau (theo Mục I.8 Công văn số 212 ngày 13-9-2019 của TAND Tối cao.
“Việc không chia kỷ phần cụ thể về trách nhiệm dân sự và án phí dân sự sơ thẩm cho mỗi bị cáo làm cho công tác thi hành án dân sự không thể thực hiện được”- kháng nghị nêu.
Từ đó, VKS đề nghị toà phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm để xét xử lại phần dân sự và án phí theo quy định pháp luật.